Bai 11: (P.3) Dai Loan va Bach Viet

Đài Loan và cội nguồn Bách Việt

TG : Nguyễn Đức Hiệp Ph.D

Phần 3:

Sự hình thành và phát huy văn hóa truyền thống bản địa của các dân tộc ở Đài Loan

Tôi đến Đài Trung (dọc bờ biển hướng Tây, cách Đài Bắc 150km phía Nam) vào tháng 6 năm 2000, một tháng sau khi ông Trần Thủy Biển nhậm chức Tổng Thống. Trung Quốc vẫn còn dàn hỏa tiển hướng về Đài Loan ngăn cách qua một eo biển nhỏ hẹp. Dân chúng tuy vậy rất bình tỉnh, tự tinh và không còn sợ hải như trước đây. Mặc dầu thị trường chứng khoán chưa hồi phục ở mức bình thường như trước lúc khủng hoảng, hoạt động kinh tế đã trở lại như trước, các trung tâm thương mại rất náo nhiệt, trừ các trung tâm của các công ty Nhật có rất nhiều ở Đài Loan vẫn vắng khách như xưa vì giá rất cao. Thành phố Đài Trung là thành phố lớn mà dân Hoklo hầu như chiếm gần hết, với một số ít còn lại là người các dân tộc thổ dân Austronesian.

Thành phần dân ở Đài Loan gồm khoảng 15% là người Hakka (khách trú), 70% là người Phúc Kiến, 2% là người bản xứ thổ dân, 13% là người từ các vùng ở lục địa mới đến sau này. Mặc dầu không phải là đa số, nhưng những người mới đến từ lục địa đã chiếm lĩnh các vị trí quan trọng trong chính phủ, quân đội. Các hoạt động kinh tế phần lớn nằm trong tay họ , trong số đó có một số công ty có sự liên hệ rất mật thiết ới Quốc Dân Đảng. Ngay Quốc Dân Đảng cũng có những công ty riêng rất lớn với nguồn tài chánh và lợi nhuận khổng lồ. Tình trạng trên kéo dài trong hơn 40 năm, cho đến năm 1988, đảng Dân Chủ Tiến Bộ đối lập được thành lập. Đảng Dân Chủ Tiến Bộ đòi hỏi có sự công bằng và đấu tranh giành lại quyền chính trị với khuynh hướng độc lập, từ bỏ là đại diện Trung Quốc để lấy lại Hoa Lục của chính thể Đài Loan từ khi Quốc Dân Đảng thua chạy qua tá túc ở Đài Loan. Mặc dầu có nhiều khó khăn và trở ngại do chính phủ Quốc Dân Đảng tạo ra, dần dần tiếng nói của dân bản xứ đã được thể hiện. Trong những năm cuối thập niên 1980s và đầu 1990s, sự đối lập của đảng Dân Chủ Tiến Bộ và Quốc Dân Đảng chủ yếu là về khuynh hướng và chính sách, không những gay gắt trên chính trường (nhiều khi đưa đến xô xát bạo động trong quốc hội, các nơi diễn thuyết công cộng giữa hai phe mà chúng ta thường thấy trên truyền hình) mà còn được thể hiện ở dân chúng tùy theo dân thuộc thành phần nào, bản xứ hay không bản xứ.

Năm 1996, ông Trần Thủy Biển được bầu làm Thị trưởng thành phố Đài Bắc. Trong thời gian làm Thị trưởng, ông đã đổi tên đại lộ trước dinh tổng thống từ “Đại lộ Tưởng Giới Thạch muôn năm” thành “Đường Ketagalan”. Ketagalan là tên một bộ lạc thổ dân Austronesian cư ngụ vùng xung quanh Đài Bắc đã bị tuyệt chủng từ lâu sau khi họ đã bị đồng hóa vào xã hội Đài Loan. Mặc dầu không phải là người gốc thổ dân, nhưng ông Trần Thủy Biển đã tích cực ủng hộ và phát triển quyền lợi và văn hóa thổ dân khắp Đài Bắc. Quan trọng hơn, ông đã lập ra một viện bảo tàng giữa một công viên lớn trong trung tâm thành phố để tưởng niệm biến cố ngày 28/2/1947. Công viên được đổi tên thành “Công viên Hòa bình 282”. Tôi có ghé thăm công viên và viện bảo tàng trong dịp viếng Đài Bắc vào năm 2000. Thật là cảm động khi thấy những hình ảnh, thơ từ, áo của các nạn nhân mang những lổ đạn, sách, báo chí, chứng từ, nói lên sự bất nhẫn qua hình ảnh của quân đội Tưởng Giới Thạch bắn giết hơn 20.000 người... ... Viện bảo tàng mang một biểu tượng với dòng chữ lớn “confused identity leads to tragedy – Taiwan has to know its past tragic event in 28/2/1847” (bản sắc bị map mờ dẫn đến thảm kịch – Đài Loan phải biết biến cố thê thảm đã xảy ra vào ngày 28/2/1947). Dĩ nhiên viện bảo tàng đã bị chính phủ Quốc Dân Đảng lúc bấy giờ chống đối và lên án. Nhưng cũng từ lúc ấy, đa số người Đài Loan gốc bản xứ (Hakka Hoklo) đã bắt đầu ý thức được quyền độc lập và tự hào về sự khác biệt văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ của họ đối với văn hóa quan thoại của Quốc Dân Đảng và của Trung Quốc lục địa.

Ngay cả trong Quốc Dân Đảng, nhiều người (nhất là cá đảng viên gốc người bản xứ) đã đòi hỏi phải có cải tổ, thay đổi chính sách để thể hiện nguyện vọng của dân một cách thực tế và áp dụng được trong tình hình mới. Nó phải thích hợp với khuynh hướng và trào lưu dân chủ mà quần chúng đòi hỏi. Lý Đăng Huy, vị Tổng thống Quốc Dân Đảng cuối cùng trước khi Trần Thủy Biển lên thay, là người bản xứ, đã có những chính sách cởi mở. Chính ông cũng có những hoài bão độc lập như đảng Dân Chủ Tiến Bộ. Điều này đã làm cho chính quyền Trung Quốc rất tức giận và hằn học, gây nhiều khó khăn cho ông Lý Đăng Huy, ngay cả khi ông không còn trong chính trường và là một công dâ bình thường như hiện nay. Thí dụ như khi ông dự định đi viếng các nước như Anh, Mỹ, và gần đây là Nhật, với tư cách cá nhân riêng tư, chính quyền Trung Quốc cũng đã gây sức đến các nước sở tại để không cho ông thị thực nhập cảnh (visa). Ai nói là thù sẽ phai nhạt theo thời gian ?

Để có thể phân biệt và tạo ra được sự khác nhau về xã hội, văn hóa giữa Đài Loan và Trung Quốc, Đài Loan từ Lý Đăng Huy đến Trần Thủy Biển đã khuyến khích phát triển và quảng bá rộng rãi văn hóa của những dân tộc thổ dân trong văn hóa Đài Loan. Ý thức về sự quan trọng của nền văn hóa thổ dân có nguồn gốc Mã Lai (Malayo-Indonesian) vào sự đóng góp chung với các văn hóa Hakka Phúc Kiến để tạo nên một nền văn hóa khác biệt với văn hóa Hán Trung Hoa. Điều này đã được chấp nhận là yếu tố quan trọng bậc nhất đặt nền tảng cho sự thành hình một căn cước (identity) mới cho Đài Loan. Thêm nữa, mặc dầu Đài Loan đã có thời gian ngắn chỉ khoảng hơn 80 năm là một phần của Nhật Bản, trong thời kỳ Nhật cai trị, nhưng ảnh hưởng văn hóa Nhật đã thể hiện một phần trong văn hóa và con người Đài Loan. Đài Loan và Nhật Bản hiện nay có quan hệ kinh tế và văn hóa khá sâu rộng.

Đặc tính riêng biệt là điều kiện tiên quyết cho sự khởi đầu thành lập quốc gia của một quần thể có văn hóa riêng. Quá trình văn hóa, tư tưởng như nói trên xảy ra ở Đài Loan trong việc tạo thành một nước có bản sắc riêng cũng mang máng tựa như quá trình mà người Việt đã trải qua trong thời kỳ Bắc thuộc. Trong quá trình này, nguy cơ văn hóa bản xứ có thể bị Hán hóa và tiêu diệt, trước khi có sự độc lập trong thế kỷ thứ 10 là rất cao, nếu không nhờ có văn hóa làng xã thuần Việt ở nông thôn được giữ vững.

Sau bao nhiêu năm dưới các chính phủ Quốc Dân Đảng, ngôn ngữ Hakka, Hoklo và các thổ ngữ bị cấm dùng trong nền giáo dục và các công sở, thay thế bởi ngôn ngữ chính thức Quan Thoại (Mandarin). Trước đây, một số trí thức Hakka Hoklo đã cố gắng giữ gìn tiếng nói của họ bằng nhiều phương cách. Một trong những phương cách là sáng tạo ra chữ viết mới dùng chữ Hán tạo ra loại chữ gọi là Koa-a-chheh vào thế kỷ 17 dưới thời kỳ thuộc nhà Thanh. Cấu tạo loại chữ này cũng tương tự một phần như chữ Nôm (Việt Nam), hoặc dùng âm chữ Hán để chỉ chữ địa phương, hoặc dùng nghĩa chữ Hán cho âm địa phương. Tuy nhiên các tiêu chuẩn chưa được thống nhất và có sự tùy tiện của người viết. Đến cuối thế kỷ 19, loại chữ viết này biến mất dần. Đầu thế kỷ 20, chữ cái Latin cũng được dùng để thể hiện tiếng nói địa phương (tương tự như chữ Quốc ngữ sau này ở Việt Nam). Nhưng hệ thống chữ này, gọi là Peh-oe-ji, đã không thành công, một phần là do chính sách của Quốc Dân Đảng. Chính sách của Quốc Dân Đảng là phát triển chính thức chữ Hán Quan Thoại để nó trở thành phổ thông trong đời sống xã hội, chính trị. Chữ mới này có thể gây nguy cơ giúp văn hóa địa phương phổ biến đe dọa sự độc tôn của Hán văn cổ điển mà Quốc Dân Đảng xây dựng từ khi đến Đài Loan (8), vì thề chính quyền Quốc Dân Đảng đã ngăn cấm loại chữ này.

Vì chính sách ngôn ngữ và văn hóa độc tôn, trọng Hán của chính phủ Quốc Dân Đảng trước đây, rất nhiều thanh niên thuộc các thế hệ mới gần đây đã quên đi tiếng mẹ đẻ của họ. Chính sách này được thể hiện qua việc cấm dùng tiếng địa phương trên truyền thanh truyền hình. Không những thế, trường học nào để học sinh nói tiếng địa phương, không phải tiếng Quan Thoại, bị phạt tiền.

Ông Trần Thủy Biển hiện nay (và trước đó ông Lý Đăng Huy), đã có chính sách cho phép các ngôn ngữ địa phương được dùng và dạy trong môi trường đa văn hóa ở xã hội Đài Loan. Bảo tồn và phát triển các loại văn hóa bản xứ đều được khuyến khích. Ở Đài Bắc, Cao Hùng và nhiều nơi khác, các trung tâm văn hóa Hakka, Hoklo, thổ dân đã được thành lập. Tháng 4/2001, ông Trần Thủy Biển cũng đã chính thức khánh thành viện bảo tàng văn hóa và lịch sử Hakka lớn nhất Đài Loan ở thành phố Meinung, thuộc quận Cao Hùng. Trong nội các chính phủ, ông thành lập Ủy ban Văn hóa Hakka, với hy vọng sẽ biến Đài Loan thành trung tâm nghiên cứu về văn hóa Hakka cao cấp nhất thế giới.

Từ giữa thập niên 1980s cho đến nay, song song với sự thành lập phong trào dân chủ và đảng đối lập Dân Chủ Tiến Bộ, có phong trào Taibun (Đài văn) phổ biến văn học bản xứ Taigi (Đài ngữ). Mục đích của phong trào Đài văn là phổ biến văn học Đài Loan, dùng ngôn ngữ và chữ viết địa phương trong các địa hạt giáo dục, xã hội, để chống lại quan điểm là chỉ có văn học Hán văn viết về Trung Quốc là có văn hóa cao được quý trọng. Còn văn học viết về Đài Loan chỉ là văn hóa “xóm làng” ở địa hạt nhỏ bé trong văn học rộng lớn Trung Quốc. Quan điểm coi nhẹ, đánh giá thấp văn hóa địa phương từ trước đến nay của chính quyền Quốc Dân Đảng và của đa số các nhà trí thức Hán học quan thoại cổ điển từ lục địa đi qua, đè nặng vào lối suy nghĩ tâm linh của họ, đã bị chỉ trích.

Phong trào Đài văn, ngược lại, lấy văn học, những gì liên quan hay viết đến Đài Loan bản xứ làm sự hãnh diện, chứ không phải là một sự hổ thẹn “xóm làng”.Phong trào Đài văn một phần đã thành công trong sự gợi dậy niềm tin và phát triển văn hóa, cũng như ngôn ngữ Đài Loan bản địa (Hoklo). Nhưng sự thống nhất và tiêu chuẩn hóa chữ viết chưa thực hiện được. Lý do chính là vì có nhiều hệ thống chữ dùng các từ Hán để phát âm (tương tự như chữ Koa-a-chheh trước đây) được sáng chế khác nhau. Ngay cả khi một trong các loại chữ này, như chữ Ganbun chẳng hạn, được nhiều người dùng hơn, thì vấn đề kỷ thuật trên máy tính và phần mềm xử lý để tạo ra chữ Ganbun đã gặp khó khăn. Vì hiện nay chỉ có chữ Hán là có sẵn và phổ thông trên thị trường máy tính mà thôi. Do đó hiện nay chỉ có chữ Hán Đài ngữ và Latin Đài ngữ (Peh-oe-ji) là được dùng nhiều nhất trong phong trào Đài văn.

Nói tóm lại, có thể cho rằng tình trạng các dân tộc Hakka, Hoklo (Mân Việt) ở Đài Loan ngày nay cũng giống như tình trạng ở Giao Châu trước khi Ngô Quyền giành lại được độc lập cho Lạc Việt. Dân tộc Lạc Việt đã cố gắng giữ gìn văn hóa của mình, trong gần 1.000 năm Hán thuộc, để không bị Hán hóa. Nhưng tình hình ở thế kỷ 21 khác nhiều về không gian thế giới, do đó tình trạng của các dân tộc Hakka, Hoklo có khó khăn nhiều hơn, và có thể không có nhiều hy vọng trên con đường tiến đến độc lập như ông cha ta thuở trước. Tuy vậy, không ai có thể đoán trước được những gì sẽ ảy ra trong tương lai. Đối với Việt Nam, những gì sẽ xảy ra ở Đài Loan đều có ảnh hưởng ít nhiều về phương diện kinh tế và chính trị. Quan trọng hơn, nó còn chứa nhiều ý nghĩa đáng cho ta suy nghĩ về chính mình trong lãnh vực tư tưởng.

_______

1) Scott S., “Formosa diary #22, May 20 : A great proletarian cultural revolution”, Southeast Asia Discussion List, 25 May 2000.

2) Lin M., Chu L., Lee H. et al., “Heterogeneity of Taiwan’s indegenious population : possible relation to prehistoric Mongoloid dispersals”. Issue Antigens, 2000:55:1-9.

3) Lin M., Chu CC., Chang SL., Lee HL., Loo JH., Akasa T., Juji T., Ohashi J., Tokunaga K., “The origin of Minnam and Hakka, the so-called “Taiwanese”, inferred by HLA study”. Issue Antigens, 2000:57:192-199.

4) Tsai Ting-I, “Tracing Taiwanese bloodlines”, The Taipei Times, 6 May 2001.

5) Norman J., “Chinese”. Cambridge language surveys, Cambridge University Press 1988.

6) Norman J., Mei Tsu-lin, “The Austroasiatics in ancient south China : some lexical evidence”. Menumenta Serica, 1976, 32.274-301.

7) Sagart L., “Gan, Hakka and the formation of Chinese dialects”, tài liệu qua liên lạc cá nhân (chưa đăng trên tạp chí).

8) Wi-vun, Taiffalo Ching, “Language, Literacy and nationalism : A comparative study of Taiwan and Vietnam”. Vietnam Journal, Vol. 1, Oct. 2001.

No comments:

Post a Comment