Bai 9: (P.2) Nguon doc dan toc Viet

Văn minh cổ và nguồn gốc dân tộc Việt Nam

Nguyễn Văn Tuấn - Cung Ðình Thanh - Nguyễn Ðức Hiệp

(Phần 2)

Bây giờ, chúng tôi muốn phát biểu vài điều về vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt. Phải nói ngay rằng đây là một vấn đề phức tạp, vì chúng ta vẫn còn thiếu thốn dữ kiện khoa học liên quan đến người Việt để phát biểu một cách khẳng định. Vì thế, người ta vẫn còn suy đoán, và có khi suy đoán thiếu cơ sở. Có thể nói hai giả thiết phổ thông liên quan đến vấn đề này: một là giả thiết [có lẽ chiếm đa số quần chúng] cho rằng người Việt có nguồn gốc từ người Trung Hoa; và giả thiết hai [có lẽ phần thiểu số] cho rằng người Việt có nguồn gốc từ Mã Lai (tức là kết luận của Bình Nguyên Lộc). Chúng tôi cho rằng cả hai giả thiết này đều cần phải xét lại, bởi một lý do đơn giản: hai giả thiết đó thiếu dữ kiện khoa học làm cơ sở, và chưa được phản nghiệm.

Giả thiết về nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt phần lớn dựa vào các dữ kiện khảo cổ và ngôn ngữ. Những dữ kiện về đặc tính cơ thể và các chỉ số nhân trắc (như màu da, xương, sọ, khuôn mặt, v.v..) từng được dùng làm các đơn vị thông tin để nghiên cứu nguồn gốc dân tộc và sự tiến hóa của loài người. Nhưng các đặc tính này thay đổi theo thời gian, và chịu ảnh hưởng vào môi trường sinh sống. Chẳng hạn như chiều cao của con người trong vòng 200 năm qua đã tăng một cách đáng kể do những cải thiện về dinh dưỡng và môi trường sinh sống. Ngay cả cấu trúc xương cũng thay đổi theo thời gian và môi trường. Do đó các đặc tính nêu trên không phải là những thông tin lý tưởng cho việc nghiên cứu lịch sử di truyền của con người.

Những dữ kiện về ngôn ngữ cũng có nhiều khiếm khuyết, vì mức độ tương đương về từ ngữ không thể nói lên một cách đầy đủ khuynh hướng di cư của các sắc dân. Ngay cả việc xác định mức độ tương đồng từ ngữ giữa các ngôn ngữ cũng là một vấn đề mang tính kỹ thuật mà các nhà nghiên cứu vẫn chưa đồng ý về phương pháp làm. Vả lại, sự tương đồng giữa các ngôn ngữ có thể là một hằng số mang tính văn hóa, chứ không hẳn do các cơ chế sinh học và di truyền. Nói tóm lại, những bằng chứng khảo cổ và ngôn ngữ không phải là những loại thông số đáng tin cậy để xác định nguồn gốc dân tộc.

Trong quá khứ, giới khảo cổ học và nhân chủng học dựa vào các bằng chứng về khảo cổ, xương, hóa thạch, v.v. để phát triển lý thuyết, nhưng những đối tượng này hàm chứa nhiều hạn chế thông tin về tiến hóa, vì mối quan hệ phức tạp giữa môi trường và tiến hóa. Hậu quả của sự tập trung vào các đối tượng như thế trong một thời gian dài đã làm cho chúng ta xao lãng các dữ kiện cho chúng ta nhiều thông tinh hơn: đó là gien (20). Không giống như xương sọ, những thay đổi trong gien thường xảy ra theo những qui luật mà chúng ta hiểu khá rõ, và vì thế gien và các đặc điểm của gien, như tầng số gien, cấu trúc DNA, phân phối gien, v.v... cho chúng ta những thông tin cực kỳ quí giá về sự tiến hóa của con người. Ngày nay, những tiến bộ phi thường trong ngành di truyền học và sinh học phân tử (molecular biology) trong mấy năm gần đây đã cung cấp cho ngành nhân chủng học một phương tiện cực kỳ quan trọng trong việc xác định lịch sử tiến hóa của con người và mối liên hệ giữa các dân tộc. Giá trị của di truyền học trong việc truy tầm nguồn gốc dân tộc đã được đánh giá cao về mức độ tin cậy. Di truyền học là một cửa sổ để chúng ta nhìn lại quá khứ của chúng ta.

Tuy nhiên, những nghiên cứu về di truyền học trong người Việt còn cực kỳ khiêm tốn. Trong thời gian khoảng 10 năm trở lại đây, đã có một số bằng chứng, tuy gián tiếp, nhưng cũng đủ để chúng ta có lý do để xem xét lại lịch sử tiến hóa của dân tộc Việt. Những bằng chứng này là:

• Trong một nghiên cứu trên 103 người ở Hà Nội, các nhà nghiên cứu Việt - Pháp phân tích DNA trong hai gien (HLA-DR và DQB1), và so sánh kết quả này với các sắc dân thuộc châu Đại Dương (Oceania) và Đông Á. Sau khi ước tính khoảng cách di truyền (genetic distance) giữa các sắc dân, các nhà nghiên cứu kết luận rằng cấu trúc di truyền của hai gien này trong người Việt gần với người Thái và người Hoa. Các nhà nghiên cứu này kết luận rằng dữ kiện của họ phù hợp với giả thuyết người Việt có nguồn gốc từ người Trung Hoa và Thái-Nam Dương (21). Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ phần phương pháp nghiên cứu, chúng tôi cho rằng kết luận này rất có thể không đúng, vì : (a) nghiên cứu này chỉ dựa vào hai gien mà thôi (con người có khoảng 35 đến 39 ngàn gien), và với những yếu điểm của mtDNA, các ước đoán về khoảng cách di truyền không ổn định; (b) ngay cả trong bài báo các nhà nghiên cứu không xây dựng được một cây di truyền nào, và cũng chẳng phân tích phát sinh chủng loại thì không thể phán đoán về chiều hướng di cư hay nguồn gốc dân tộc được.

• Khoảng hai năm sau, các nhà nghiên cứu này lại tiến hành một nghiên cứu khác trên 50 người cũng ở Hà Nội, và cũng qua dùng kỹ thuật PCR (polymerase chain reaction) họ phân tích 6 "restriction enzymes", và ghi nhận khoảng cách di truyền (22) giữa người Việt và người Hoa rất thấp (chỉ 0.0022), nhưng giữa người Việt và Ần Độ thì tương đối cao hơn (0.0468), có nghĩa là quan hệ giữa giống người Việt và Hoa gần nhau hơn so với quan hệ Việt và Ần (23). Nghiên cứu nàycũng có những yếu điểm như nghiên cứu trình bày phần, tức là số lượng gien quá ít (trong trường hợp này chỉ có một gien), và tác giả cũng không tính toán mức độ biến thiên của chỉ số khoảng cách di truyền, nên không thể nào phát biểu khoảng cách giữa Việt - Hoa gần hơn khoảng cách giữa Việt - Ần. Thực ra, sau khi tính toán lại, chúng tôi thấy hai khoảng cách di truyền (Việt - Hoa và Việt - Ần) không có sự khác biệt đáng kể (non-significant)! Tuy nhiên, một nghiên cứu khác trên 5 gien trong nhiễm sắc thể Y trong hai nhóm dân: Bắc Á (Bắc Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, và Mông Cổ), và Nam Á (Nam Dương, Phi Luật Tân, Thái, và Việt Nam) cho thấy người Việt gần với các nhóm dân Bắc Á (nhất là Hàn Quốc) hơn là các nhóm dân Nam Á (24)! Chúng ta biết rằng, qua nghiên cứu của Giáo sư Chu (14), người Hoa phía Bắc Trung Quốc có cấu trúc di truyền khác với người Hoa phía Nam Trung Quốc. Do đó, phát hiện này quả rất khó giải thích. Càng khó giải thích hơn nữa khi phần lớn những người Việt trong nghiên cứu này là cư dân ở Hà Nội, tức gần miền Nam Trung Quốc.

• Trong một nghiên cứu dùng mtDNA, Ballinger và đồng nghiệp (24) ghi nhận rằng chỉ số biến thiên (trong di truyền học gọi là Fvalue) trong người Việt cao nhất trong các sắc dân vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, các tác giả kết luận một cách mơ hồ rằng các dữ kiện này cho thấy "người Á châu có nguồn gốc từ nhóm dân Nam Mông" (nguyên văn : "The greatest mtDNA diversity and the highest frequency of mtDNA with HpaI/HincII morph 1 were observed in the Vietnamese suggesting a Southern Mongoloid origin of Asians") (25). Thực ra, các dữ kiện mà tác giả trình bày không cho phép họ kết luận như thế, bởi vì họ chỉ 7 nhóm dân Á châu mà thôi, và cũng chỉ nghiên cứu trên vài mẫu gien rất nhỏ. Nhưng qua số liệu của các nhà nghiên cứu này, chúng tôi có thể phát biểu rằng trong hai gien mà họ nghiên cứu, người Việt có lẽ là một sắc dân cổ nhất trong vùng Đông Nam Á.

• Năm 1998, Giáo sư Chu và đồng nghiệp (thuộc Trường Đại học Texas (14)) phân tích 15 đến 30 mẫu "vi vệ tinh" DNA (microsatellites) để thử nghiệm sự khác biệt di truyền trong 24 nhóm dân từ nhiều tỉnh khác nhau ở Trung Quốc, 4 nhóm dân vùng Đông Nam Á (hai thuộc thổ dân Mỹ, một thuộc thổ dân Úc châu, và một thuộc Tân Guinea), 4 nhóm dân da trắng (Caucasian), và 3 nhóm dân Phi châu. Bằng một phương pháp phân tích thống kê có tên là "phân tích phát sinh chủ?g loại" (Phylogenetic analysis)", một số kết quả đáng ghi nhận như sau:

(i) hai nhóm dân có sự khác biệt rõ ràng nhất là Phi châu và các dân không thuộc Phi châu;

(ii) tất cả các nhóm dân Đông Nam Á "tập hợp" thành một nhóm, và nhóm dân có đặc tính di truyền gần họ nhất là người thổ dân Mỹ châu, kế đến là thổ dân Úc châu, và Tân Guinea (Những kết quả này cũng phù hợp với thời gian định cư ở Úc châu (khoảng 60,000 đến 50,000 năm trước đây, và thời gian định cư ở Mỹ châu (từ 30,000 đến 15,000 năm trước đây);

(iii) các nhóm dân miền nam Trung Quốc phân phối thành ba nhóm, gọi là S1, S2, và S3 (ngoại trừ nhóm S2 là người Hán từ tỉnh Henan, phần còn lại (S1 và S3) gồm các sắc dân trong vùng Yunnan); và

(iv) các sắc dân miền bắc Trung Quốc phân phối thành hai nhóm, gọi là N1 và N2. Nhóm N1 gồm 6 sắc dân nói tiếng Altaic, một nhóm Hán tộc miền bắc từ tỉnh Yunnan. Nhóm N2 gồm 4 sắc tộc thiểu số có lịch sử sinh sống lâu đời ở miền bắc, trong đó có một sắc tộc từ tỉnh Ninxia [6].

Từ những phát hiện trên, chúng ta có thể đặt ra một số mô hình để giải thích, nhưng mô hình thích hợp với dữ kiện của Giáo sư Chu và đồng nghiệp các dân tộc miền Bắc Á được tiến hóa từ các dân tộc Đông Nam Á châu. Các dữ kiện liên quan đến răng, sọ [26-27] cũng nhất quán với mô hình này. Do đó, Giáo sư Chu và đồng nghiệp kết luận rằng: "Tổ tiên của các nhóm dân Đông Á ngày nay có nguồn gốc từ Đông Nam Á."

• Nhưng nghiên cứu của Giáo sư Chu và đồng nghiệp có một điểm yếu, đó là họ dựa vào vi vệ tinh DNA, một chất liệu di truyền rất "nhạy" (sensitive) và dễ bị đột biến (mutation [28]). Để khắc phục nhược điểm này, một nhóm nghiên cứu khác đã tiến hành một nghiên cứu độc lập và qui mô hơn để xác định nguồn gốc Đông Nam Á của dân tộc Trung Hoa. Nhóm nghiên cứu Mỹ - Trung Quốc phân tích DNA trong nhiễm sắc thể Y [29] trong các nhóm dân Hán (thuộc 22 tỉnh của Trung Quốc), 3 nhóm dân Đông Bắc Á (Buryat, Đại Hàn, và Nhật Bản), 5 nhóm dân Đông Nam Á (Cambốt, Thái Lan, Mã Lai, Batak, và Java), và 12 nhóm dân ngoài Á châu (3 nhóm từ Phi châu, 3 từ Mỹ châu, 2 từ Ấu châu, và 4 từ châu Đại dương). Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng mức độ biến thiên đa hình thái (polymorphic variation) trong các nhóm dân Đông Nam Á cao hơn trong các nhóm dân thuộc vùng Bắc Á. Điều này có nghĩa là các sắc dân ở Đông Nam Á có một quá trình định cư lâu dài hơn là các nhóm dân Bắc Á. Dùng các phương pháp phân tích di truyền quần thể (population genetics), các nhà nghiên cứu kết luận rằng con người thời đó đã di cư từ Phi châu sang đến Đông Nam Á [30] vào khoảng 60 ngàn năm về trước, và sau đó đã di chuyển lên phía Bắc Á (kể cả Trung Quốc ngày nay) và Siberia [29]. Ngoài ra, còn có bằng chứng di truyền cho thấy các nhóm dân Polynesians cũng có nguồn gốc từ Đông Nam Á [31].

Những dữ kiện di truyền học mà chúng tôi tóm lược trên đây tuy chưa hoàn toàn đầy đủ để chúng ta khẳng định nguồn gốc dân tộc Việt, nhưng đủ để chúng ta phát biểu rằng: xác suất mà người Việt có nguồn gốc [hay di dân] từ Trung Quốc là cực kỳ thấp, nếu không muốn nói là con số gần zêrô.

Bây giờ chúng tôi muốn nhân cơ hội này để bàn thêm vài điều chung quanh vấn đề nguồn gốc dân tộc và văn minh Việt Nam. Theo Nguyễn Quang Trọng, dân Đài Loan ở trên núi, ít bị Hán hóa, có thể coi như nhóm dân tiêu biểu cho người nói tiếng Nam Đảo vì họ còn giữ được gien nguyên thủy và còn sống theo văn hóa cổ. Mặt khác, những cư dân sống ở vùng Phúc Kiến, Kim Môn, Quảng Đông, Bắc Việt có thể cũng cùng một gốc với dân cổ Đài Loan này, và quê hương của họ có thể là thềm lục địa chung quanh đã bị biển tràn ngập. Vì vậy, [tác giả viết] "tại sao không thể xem vùng thềm biển này, trước khi hồng thủy đến, là một trung tâm văn hóa lớn của dân nói tiếng Nam Đảo". Dữ kiện ông đưa ra để minh chứng cho thuyết này là chày đập vỏ cây cho mềm để làm khố che thân đã tìm được ở bờ biển Nam Trung Hoa từ Hồng Kong đến Bắc Việt. Về điểm này chúng tôi cũng đã từng đề nghị, ngoài vùng đất Sundaland, đồng bằng Nanhailand, châu thổ sông Hồng xưa, là trung tâm văn minh Đông Nam Á thời đó (32). Có điều chúng tôi không khẳng định đây là trung tâm văn hóa của dân nói tiếng Nam Đảo (Austronesian) vì chúng tôi nghĩ, cũng như W. Solheim II, dân thời đó còn nói chung tiếng Austric chưa chia hai Nam Đảo và Nam Á.

Về quá trình tiến triển dân tộc Việt, Tác giả Nguyễn Quang Trọng đưa ra vài đề nghị rất đáng bàn thêm, mà theo cách hiểu của chúng tôi, như sau :

Bước 1: Người cổ thiên di từ Phi Châu đến Đông Nam Á, khi gặp biển Đông ngăn chặn, họ chia theo hai hướng : một lên phía Bắc đến sống ở miền Nam Trung Hoa, và càng ngày càng tiến về Bắc đến tận Mông Cổ; một đi về phía Nam đến thềm Sunda, khi đó còn nối liền lục địa với các đảo phía Nam, đến tận Úc Châu. Tất cả đều là người chủng tộc Australoid (da đen, tóc quăn, mũi to...)

Bước 2: Lớp di dân lên phía Bắc Đông Á, đổi dần nhân dạng vì môi trường lạnh, gió, ít nắng. Khoảng 15.000 năm trước giống này lai với chủng Altaic thiên di từ Tây Á đến đổi thành chủng Bắc Mongoloid (da trắng vàng, mắt hí, tóc thẳng ...)

Bước 3: Chủng Bắc Mongoloid này bành trướng về phía Nam lai với chủng Australoid vào khoảng giữa đất Trung Hoa (nay) để tạo thành chủng Nam Mongoloid (da ngăm đen, tóc gợn sóng ...) Theo tác giả, chủng lai Nam Mongoloid này chính là tổ tiên của người Cổ Việt, Khmer, Thái, Miến, Mã Lai, Nam Dương, cả những người ở hải đảo Thái Bình Dương.

Bước 4: Xin trích nguyên văn của tác giả: "Trên đất Việt Nam, vào thời đồ đá, cư dân thuộc chủng Australoid ban đầu nói cùng tiếng gốc Austric, dần dần phân thành hai nhóm dân nói tiếng khác nhau theo vùng họ ở, vì cách sinh sống khác nhau. Nhóm nói tiếng tiền Nam Á sống phía trong lục địa, trú trong hang động vùng cao (văn hóa Hòa Bình). Nhóm thứ hai nói tiếng tiền Nam Đảo, sống vùng đồng bằng ven biển, vào lúc ấy mức biển thấp, vùng này lan ra xa ngoài đường biển hiện tại trên vịnh Bắc Việt do thềm lục lài thoai thoải. Tại vùng vịnh Bắc Việt, dọc từ bờ biển Móng Cái tới Quảng Ngãi qua đến đảo Hải Nam", và ông kết luận : "Trong chừng mực nào đó, vùng vịnh Bắc Việt, kể cả (đảo) Hải Nam có thể xem là lãnh thổ của một phần tổ tiên người Việt, thuộc thành phần nói tiếng Nam Đảo, từ 15 ngàn năm trước ! Văn hóa Hạ Long và các văn hóa tiền Nam Đảo khác sau đó đã góp phần quan trọng vào sự hình thành văn hóa và con người Việt Nam".

Bước 5: Bắt đầu từ thời đá mới, dân nói tiếng Nam Á trong đất liền và dân nói tiếng Nam Đảo dọc bờ biển đều tăng nhanh nên cùng tràn về châu thổ các sông. Sự hợp chủng của hai sắc dân này có lẽ xẩy ra khoảng 4.000 năm cách ngày nay. Và tác giả đặt câu hỏi phải chăng sự gặp gỡ này đưa đến truyền thuyết Lạc Long Quân Nam Đảo từ phía biển lên và Ấu Cơ Nam Á từ vùng núi xuống, và đi đến kết luận : "Như vậy Tiên Ấu Cơ Nam Á và Rồng Lạc Long Quân Nam Đảo là tổ tiên Lạc Việt lẫn Bách Việt (phía Nam Trường Giang), và những Viêm Đế, Thần Nông của huyền thoại Hán xa xưa, nếu có, có lẽ không dính dáng đến tổ tiên tộc Việt". Cũng theo tác giả: "Cuộc phối hợp văn hóa hoàn tất vào thời Đông Sơn tạo thành một văn hóa chung cho cư dân bản địa".

Bước 6: Cũng xin trích nguyên văn : "Như đã nói ở trên, cuộc sống chung này tương đối hòa bình vì các di tích khai quật cho thấy tại Đồng Đậu, cư dân ?đột nhiên? biết chế tạo vũ khí. Để tự vệ ? Để giải quyết những tranh chấp về quyền lợi và ảnh hưởng ? Từ đó đưa đến những khủng hoảng mất mát chia lìa (năm mươi con theo cha, năm mươi con theo mẹ ?) hoặc đến lúc suy vi sau thời kỳ sung mãn". Và để kết luận, ông cho rằng người dân Việt đã lai nhiều suốt thời tiền sử và trong thời Hoa thuộc, nhưng văn hóa Việt thành hình từ văn hóa bản địa của những tộc nói tiếng tiền Nam Á trong lục địa và tiền Nam Đảo vùng thềm lục địa nên giữ được độc lập quốc gia trong khi toàn vùng Trường Giang đều bị Hán hóa.

Trong những giai đoạn này, ba giai đoạn sau có nhiều điều khó hiểu cần bàn lại, nhiều chỗ hình như chưa được thống nhất, và về thời gian hình như có nhiều chỗ chồng chéo. Có điểm chúng tôi đồng ý (ba giai đoạn đầu), và cũng đã từng chủ trương như vậy, nhưng cũng có điểm chúng tôi không đồng ý.

Nguyễn Quang Trọng giả thiết người Đông Nam Á đi ra hải đảo Thái Bình Dương hay lên phía Bắc đều thuộc chủng Australoid (da đen, tóc quăn, mũi to), rồi vì sống trong môi trường lạnh, gió, ít nắng ở miền Bắc, họ biến đổi nhân dạng với chủng Altaic mà dần dần thành chủng Bắc Mongoloid (tóc thẳng, mắt hí, da vàng trắng). Chủng Bắc Mongoloid này khi bành trướng về phương Nam một lần nữa lại lai với chủng Australoid đã sống trước ở đó mà tác giả gọi là giữa đất Trung Hoa, để thành người Nam Mongoloid (da ngăm đen, tóc dợn sóng ...). Theo tác giả, đây là tổ tiên của người Việt, Khmer, Thái, Miến, Mã Lai, Nam Dương, cả những người ở hải đảo Thái Bình Dương.

Điều này cũng tương đồng với một giả thiết mà các nhà nghiên cứu về nguồn gốc người Trung Hoa đã tranh cãi nhau về ba mô hình (33):

• Mô hình 1: Giả thiết người Hoa Nam là từ Hoa Bắc di xuống pha trộn với dân bản địa mà hình thành.

• Mô hình 2: Ngược lại, giả thiết người Bắc Trung Hoa là hậu duệ của người phương Nam.

• Mô hình 3: Dân cư ở cả hai miền tiến hóa và phát triển độc lập.

Như đã thấy, Nguyễn Quang Trọng theo mô hình 1. Mô hình này có ưu điểm là nó có vẻ phù hợp với bản đồ ngôn ngữ ở Trung Quốc, đã một thời được nhiều nhà ngôn ngữ học công nhận. Chúng tôi sẽ không đi vào chi tiết bởi nó rất phức tạp mà cũng không cần thiết. Nhưng qua phân tích DNA của nhóm Giáo sư Chu (mà chúng tôi đề cập trên đây), mô hình này không còn thích hợp nữa. Nói một cách khác, các dữ kiện di truyền học cho thấy tổ tiên của những người nói tiếng Altaic từ Đông Á đã di cư vào Á châu từ ngã Đông Nam chứ không phải từ ngả Trung Á (14). Nghiên cứu của các nhà nhân chủng học uy tín khác Lugi Luca Cavallli-Sforza (Đại học Stanford), Li Yin (Đại học Stanford và nhiều học giả khác cũng nhất quán với mô hình này (34).

Liên quan đến sự khác biệt về đặc tính cơ thể (người hải đảo da sậm, tóc quăn, trong khi người sống trong lục địa có da vàng, tóc đen, không quăn), chúng tôi thấy có vài điều cần thảo luận như sau:

Thứ nhất, không có gì chứng minh được người Australoid da đen, tóc quăn, mũi to đã lên phía Bắc đến tận Mông Cổ ngày nay. Nếu tại đất nay thuộc lãnh thổ Bắc phần Việt Nam, trong 70 xương sọ mà ta sưu tầm được cho đến ngày nay, 38 xương sọ thuộc thời Đồ Đá (cũng không xác định được niên đại rõ ràng), phần lớn do học giả Pháp tìm ra trước 1945 (29 sọ trên 38 cái) cho là thuộc chủng Australoid, Indonesian, Malanesian Ẫ và 32 sọ, đa số do học giả Việt tìm thuộc thời Đồng Sắt ngược lại, phần lớn là chủng Mongoloid vào những năm chưa có sự chứng minh ngược lại của di truyền học, đã một thời là nguyên nhân cho thuyết nguồn gốc người Việt tại đất liền là do cư dân hải đảo Thái Bình Dương di cư vào (35).

Chúng ta không thấy bảng xương sọ tương tự như ở Trung Quốc. Những xương cốt thường được nói đến nhiều nhất và được coi là tổ tiên của người Trung Hoa là 3 bộ xương do J. Anderson tìm được ở Chu Khẩu Điếm (Chou-Kon-Tien). Thời đó, vì thiếu những phương tiện khoa học đo đạc chính xác nên có người đã cho xương này là tổ tiên của người Hoa có từ rất xa xưa! Sau này nhờ có phương tiện định tuổi bằng C14, Noel Bernard đã chứng minh được niên đại của xương đó chỉ là 16.922 năm trước CN (2k - 136-0; Bernard 1980) (36). Cũng có người chứng minh được đó chẳng phải là xương của một gia đình vì ở ba tầng lớp khác nhau trong hang (Weiderich, 1939), lại thuộc ba chủng khác nhau và chẳng liên hệ gì đến người Trung Hoa hiện nay cả (Wu, 1961) (27). Sở dĩ có hiện tượng đó vì phương pháp cổ điển để tìm chủng tộc và niên đại của các sọ thời trước chỉ là phương pháp so sánh (so cái chưa biết với mẫu đã biết gốc tích). Trong trường hợp đó, giá trị của các kết luận rất tương đối. Xương cốt cổ đào được nhiều nhất ở Yang-Shao là xương thuộc chủng Nam Mongoloid, giống với người Hoa hiện đại mà cũng giống cả với người Việt và các chủng Đông Nam Á khác. Vậy lấy gì để khẳng định người Australoid da đen, tóc quăn, mũi to đã di cư đến tận cực Bắc Trung Hoa ngày nay ?

Thứ hai, giả thiết người Australoid đến Bắc Đông Á, rồi vì sống trong môi trường lạnh, gió, ít nắng nên dần dần thay đổi nhân dạng là cho con người thay đổi hình dạng chỉ do yếu tố môi sinh ngoại tại. Thực sự, muốn có sự thay đổi hình dạng phải có sự đột biến di truyền (28). Đó là một sự kiện sinh học xẩy ra trong tế bào, do sự tương tác giữa môi trường và sinh học. Giả thiết rằng người Australoid lai với người Altaic (các dân tiêu biểu là Buryat, Yakut, Uyghur, Mãn Châu, Hán, Đại Hàn, Nhật) thì lại càng khó hiểu vì người Altaic, theo di truyền học đã chứng minh cũng do người Đông Nam Á di lên chứ không phải từ Trung Á đi lại như trên vừa trình bầy. Có thể họ lai với một sắc dân đến muộn hơn từ Trung Á và Ấu Châu, như sẽ nói rõ hơn ở sau, nhưng đó là chuyện xẩy ra về sau khi băng hà lần cuối cùng đã tan.

Thứ ba, chủng Bắc Mongoloid vì nhu cầu bành trướng, tràn xuống phương Nam, gặp chủng Australoid đã cư ngụ sẵn nơi đây, lai giống mà thành người Nam Mongoloid. Đây là tổ tiên của chủng Bách Việt. Ý kiến này rất mới, chỉ tiếc tác giả đã không đưa dữ kiện chứng minh để có thể kiểm nghiệm lại một cách khoa học. Mặt khác, những dữ kiện khoa học có được đến ngày hôm nay hình như không hỗ trợ cho giả thiết này. Về phương diện di truyền học, phân tích di truyền của Giáo sư J. Y. Chu và đồng nghiệp, cộng với nhiều phân tích DNA gần đây như trên vừa trình bầy, đã cho thấy ngược lại phát biểu của Nguyễn Quang Trọng, rằng người Nam Mongoloid đã từ Đông Nam Á, phía Nam Trung Hoa, bành trướng lên phía Bắc. Nói rõ hơn, người Hoa Bắc là hậu duệ của người Hoa Nam. Cây hệ di truyền từ cuộc nghiên cứu của Giáo sư Chu cũng cho thấy đã không có sự hợp chủng giữa dân Hoa Nam (Nam Mongoloid) với dân Altaic. Chỉ có sự hợp chủng giữa dân Altaic với các dân cư đến muộn hơn từ Trung Á và Ấu Châu, sau thời băng hà cuối cùng (15.000 trở lại đây). Về phương diện khảo cổ học, hầu hết xương cốt tìm thấy được ở văn hóa Ngưỡng Thiều đều thuộc chủng Nam Mongoloid, giống người Trung Hoa hiện đại, cũng giống với những người hiện đại tại các quốc gia Đông Nam Á khác, đặc biệt ở Việt Nam. Không thấy dấu hiệu hợp chủng có tính toàn diện giữa Bắc Mongoloid và Australoid như Nguyễn Quang Trọng phát biểu.

Nói tóm lại, qua các dữ kiện di truyền học gần đây, tuy còn hạn chế (vì những nghiên cứu về di truyền học trong vùng Đông Nam Á, nhất là với người Việt, còn ít), nhưng chúng tôi thấy có thể phát biểu rằng người hắc chủng từ Phi Châu di cư đến Đông Nam Á lục địa, khi tiếp cận biển Đông, thì một phần đi thẳng ra các hải đảo Thái Bình Dương và Úc Châu, lúc đó vẫn còn là hắc chủng; phần khác trụ lại tại Đông Nam Á, tại lưu vực con sông nay mang tên sông Hồng, vì đã hội đủ cơ duyên nên có đột biến di truyền, và do đó, từ giống hắc chủng (da ngăm, tóc xoăn) đã biến đổi thành giống hoàng chủng (da vàng, tóc đen, sợi thẳng). Từ đó, họ mới bắt đầu di chuyển lên hướng Bắc, nay là đất Trung Hoa.

Giả thiết của chúng tôi dựa trên ba cơ sở như sau :

Một, mực nước biển lên xuống. Trước thập niên 60 thế kỷ trước, người ta chỉ biết có độ 5 thời kỳ bằng hà (nước biển xuống), gián băng (nước biển tăng), nhưng ngày người ta đã biết được có đến 20 kỳ trong khoảng 2 triệu năm qua. Riêng trong hậu kỳ Pleistocène khoảng từ 125.000 năm đến 10.000 năm trước ngày nay, nghĩa là khi loài người Hiện Đại (Homo Sapiens Sapiens) đã xuất hiện thì mực nước biển ở Đông Nam Á cũng đã 5 lần lên xuống. Những lần xuống đó là vào khoảng 115.000 năm, 90.000 năm, 55.000 năm, 35.000 năm và lần cuối cùng 18.000 năm cách ngày nay (37). Người Hiện Đại đến vùng Đông Nam Á khoảng 60.000 năm trước đây, vậy khi nước biển xuống khoảng 55.000 năm trước, chính là lúc người Hiện Đại Đông Nam Á đất liền bắt đầu thiên di ra các hải đảo Nam Thái Bình Dương, vì lúc đó nước biển cạn dần, đã nổi lên những triền đất nối liền với đại lục. Vậy gần như người Hiện Đại từ Đông Phi Châu thiên di đến Đông Nam Á đã có dịp tiến thẳng ra hải đảo vì khí hậu thích hợp và vì thuận đường lui tới. Lúc đó họ vẫn còn thuộc dân hắc chủng. Khảo cổ học đã có dấu tích của người Hiện Đại ở Úc Châu, khoảng 50.000 năm trước đây, ở New Guinéa 40.000 năm .

Hai, điều kiện môi trường và khí hậu. Người Hiện Đại Đông Phi tiến được ra hải đảo Thái Bình Dương nhưng lại chưa thể tiến ngay lên phía Bắc vì lúc đó miền Bắc đang trong thời băng hà. Không khí chỉ ấm dần từ 40.000 năm trước cho đến 21.000 năm trước lại bắt đầu thời kỳ băng hà cuối cùng thường gọi là băng hà Wurm. Sau lần băng hà cuối cùng này, không khí ấm lại dần cho đến nay khoảng từ 15.000 năm trước (34). Chính trong thời kỳ ấm lại giữa hai khoảng băng hà (- 400.000 đến - 21.000 năm) người Hiện Đại đã tiến lên phía Bắc là đất Trung Hoa ngày nay. Khảo cổ học cho thấy dấu tích của họ ở đại lục khoảng 35.000 năm trước, ở Đài Loan khoảng - 30.000, họ vượt eo biển Beringa khoảng - 30.000 (lúc đó nước biển xuống như trước lần biển xuống cuối cùng nên eo biển đã thành một giải đất liền). Ta thấy dấu tích người Hiện Đại ở bờ biển Tây Mỹ Châu khoảng - 30.000. Họ là tổ tiên của văn hóa Maya, còn dấu vết ở Nam Mỹ ngày nay (38). Tất cả những điều trên đã được khoa di truyền hiện đại ngày nay xác định là đúng : người da đỏ ở Mỹ Châu, người thổ dân ở Úc Châu có yếu tố di truyền giống với người Đông Nam Á, và Đông Á (đều thuộc chủng Nam Mongoloid) và khác với người Bắc Á (thuộc Bắc Mongoloid).

Ba, hội đủ tính đột biến di truyền. Về điểm này, còn cần thêm nhiều phân tích, nhiều chứng cớ, mới có thể trở thành một giả thuyết có tính khoa học. Tuy nhiên, khảo cổ học đã chứng minh được những người thiên di lên phía Bắc, cả những người sang Mỹ Châu, không còn hay còn rất ít yếu tố hắc chủng. Không thể kết luận họ lên phía Bắc vì lạnh, vì ánh sáng mặt trời hay nhiều gió mà biến đổi đi như vậy (như từ da đen, tóc xoăn thành da vàng hay trắng, tóc thẳng, mũi nhọn), dù không ai phủ nhận môi trường bên ngoài có làm thay đổi hình dạng con người. Nhưng để thay đổi cả hình dáng, màu da, râu tóc một cách triệt để như da đang đen trở thành trắng hay vàng, tóc đang quăn trở thành thẳng, mắt đang nâu trở thành xanh thì phải có sự thay đổi nhiễm sắc thể DNA trong gien mà giới di truyền học gọi là có sự đột biến di truyền. Sinh học phân tử cho chúng ta biết rằng đột biến di truyền là một quá trình chậm, do nhiều yếu tố (trong đó có yếu tố môi trường, như tia sáng mặt trời, và tiến hóa) gây nên. Đột biến DNA dẫn đến nhiều thay đổi (và bệnh tật), trong đó có cả những thay đổi về hình dáng cơ thể như tóc, tai, da, mắt.

Tác giả Nguyễn Quang Trọng cho rằng vào thời kỳ Đồ Đá (không minh định đá cũ, đá giữa hay đá mới) dân Cổ Việt lúc ấy thuộc chủng Australoid nói tiếng Austric vì cách sinh sống khác nhau, dần dần phân chia thành hai nhóm: nhóm nói tiếng Nam Á (Austro-Asiatic) sống trên đất liền và nhóm nói tiếng Nam Đảo (Austranesia) sống ở vùng đồng bằng ven biển. Bắt đầu thời đá mới, trước là vì nhu cầu dân số gia tăng, sau vì biển tiến, hai tộc đã phân chia, lại cùng tìm về đồng bằng các sông nay thuộc Bắc Việt, sống đan xen với nhau và kết hợp lại với nhau. Tác giả đã ví sự kết hợp này, mà ông gọi là kết hợp yếu tố văn hóa Biển - Lục Địa, với chuyện Ấu Cơ kết hợp với Lạc Long Quân, một cuộc kết hợp êm thắm vì là kết hợp giữa hai tộc người vốn cùng một chủng tộc và một ngôn ngữ. Chuyện đó xẩy ra vào khoảng 4.000 năm cách ngày nay và ông kết luận "Cuộc phối hợp văn hóa hoàn tất vào thời Đông Sơn (850 trước CN đến 280 sau CN), tạo thành một văn hóa chung cho cư dân bản địa".

Về điểm này, chúng tôi xin được nhắc lại quan điểm của chúng tôi đã phát biểu trước đây.

Thứ nhất, vào thời điểm trước khi có nạn Đại hồng thủy cuối cùng (từ 18.000 năm trước, nước biển bắt đầu dâng mỗi năm 1cm, đến 8.000 năm trước nước biển đột ngột dâng cao nhận chìm toàn bộ đồng bằng Nanhailand đến tận Việt Trì ngày nay), dân cư đồng bằng Nanhailand còn thống nhất, nói tiếng Austric chứ chưa chia làm hai Austronesian và Austro-Asiatic.

Thứ hai, vào lúc này (từ 18.000 năm đến khoảng 50.000 năm trước) chắc đã có sự đột biến di truyền, và người nói tiếng Austric ấy chắc đã là da vàng, tóc thẳng mà khảo cổ học gọi là Nam Mongoloid, chứ không còn da đen, tóc quăn, mũi rộng thuộc Hắc chủng, mà khảo cổ học gọi là Australoid. Sự đột biến di truyền xẩy ra vào thời điểm nào thì còn cần có thêm những cuộc sưu khảo, nhất là những thí nghiệm về di truyền học DNA mới có thể khẳng định được.

Thứ ba, khi nước biển dâng, chia Đông Nam Á ra thành Đông Nam Á hải đảo và Đông Nam Á đất liền thì lúc đó người nói tiếng Austric cũng bắt đầu chia hai : phần ở hải đảo và ven biển nói tiếng Austronesian và phần ở sâu trong lục địa nói tiếng Austro-Asiatic.

Thứ tư, chỉ khi nước biển bắt đầu rút (khoảng 5.500 năm cách ngày nay), trả dần lại đồng bằng sông Hồng mới thì người đã di tản đi nơi khác vì nạn Đại hồng thủy nay mới đổ về tái thiết đồng bằng này, và đó cũng là thời kỳ dựng nước Văn Lang. Lạc Long Quân Nam ĐảoẤu Cơ Nam Á kết hợp với nhau vào lúc này. Và đây là điểm khác biệt giữa chúng tôi với tác giả. Lạc Long Quân gặp Ấu Cơ khoảng từ 5.500 năm trước, từ lúc nước biển bắt đầu lui chứ không phải vào 4.000 năm trước đây khi biển tiến. Nhưng tại sao Lạc Long Quân và Ấu Cơ lại chia lìa, người đem 50 con lên núi, người đem 50 con xuống biển? Sự chia lìa đó xẩy ra vào lúc nào? Truyền thuyết chỉ nhắc lại lời Lạc Long Quân: "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, ở lâu với nhau không được, nay phải chia ly". Dù có nói thêm một câu: "Hữu sự bảo cho nhau biết, đừng quên". Cái thông điệp mà truyền thuyết đó muốn gửi đi, qua câu nói của Lạc Long Quân, vẫn còn là một bí ẩn.

Nói tóm lại, về vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam, đã đến lúc chúng ta đặt vấn đề với giả thiết Bắc xuống Nam, và nghiêm túc thử nghiệm giả thiết Nam lên Bắc.

Thực ra, chúng ta cũng chẳng còn quyền lựa chọn nào khác vì khoa học, nhất là khoa di truyền học, đã lựa chọn dùm chúng ta:

Khởi thủy, người Hiện Đại (Homo Sapiens - Sapiens) từ Đông Phi đến Đông Nam Á; rồi từ đó họ tiến lên phía Bắc. Sau vì có sự phối hợp với chủng từ Tây Bắc xuống ( Mông cổ du mục ), họ hợp thành cái cốt lõi của dân sống ở Trung Quốc ngày nay.(Bắc TQ = ĐN.Á cổ di cư lên + Mông Cổ). Đó là giai đoạn Nam lên Bắc. Giai đoạn này khoảng từ sau 40.000 năm cách ngày nay cho đến 3.000 năm cách ngày nay thì Trung Hoa bắt đầu có loạn Xuân Thu Chiến Quốc.

Đến khi nhà Tần thống nhất lục quốc, nhất là từ khi nhà Hán cai trị Trung nguyên, những dân thuộc đại tộc Bách Việt (ĐN.Á cổ di cư lên) ở các nước lưu vực sông Dương Tử xuôi về Nam, không chịu sự đồng hóa của người Hoa Hán đã di dần về phương Nam. Một số những người thuộc nhóm này đã sát nhập với dân Lạc Việt ( ĐN.Á bản địa ). Giai đoạn này kéo dài cũng cả ngàn năm, nhưng những thiên di từ đời Tần đến đời Đông Hán (khoảng 300 năm trước CN đến 100 năm sau CN) có lẽ là quan trọng hơn cả.

Chúng tôi tin rằng đó là một phần của kết luận về nguồn gốc dân tộc Việt Nam.

Cung Ðình Thanh - Nguyễn Văn Tuấn - Nguyễn Ðức Hiệp

No comments:

Post a Comment