Bai 18: (P.2) Đền Hùng


Khu di tích lịch sử Đền Hùng (P.2)

(Sưu tầm và tổng hợp)

6. Di tích khảo cổ :

Di tích khảo cổ:

Trên địa bàn Vĩnh Phú (tức bộ Văn Lang cũ) phát hiện được trên 70 di chỉ khảo cổ thời Hùng Vương (tính tới 1992). Nếu lấy đền Hùng làm trung tâm quay một vòng bán kính 20 km thì có gần 50 di tích nằm trong vòng đó, phần lớn tập trung ở vùng Lâm Thao cũ và Việt Trì.

Gần 50 di tích đó là: Phùng Nguyên, Gò Mun, Đồi Dung, Gò Ông Kế, Gò Miếu, Ngỏ Đỗ, Nội Gan, Bản Nguyên, Đồng Đường, Chùa Cao, Thành Dền, Đồng Đậu Con, Gò Chiền, Mã Nguội, Liên Minh, Xóm Kiếu, Gò Con Lợn, Gò Mồng, Gò Tro trên, Gò Tro dưới, Đồng Sấu, Gò Tôm, Gò Thế, Gò Gai, Gò Con Cá, Gò Thờ, Gò Ghệ, Đồi Hoàng Long, Mả Nứa, Lê Lợi, Đồi Giàm, Làng Cả, Mã Lao, Núi Voi, Gò Vừng, Gò Dền, Đôn Nhân, Bình Sơn, Đồng Quế, Gò Re, Gò Diễn, Gò Bún, Gò Sanh, Gò Ông Tiễn, Gò Ma Lầy, Thọ Sơn.

Hơn 20 di chỉ phân bố tương đối tản mạn ngoài bán kính nói trên là: Gò Chùa, Gò Trại, Gò Või, Vạn Thắng, Nhà Quỳnh, (huyện Sông Thao); Lũng Hòa, Nghĩa Lập, Đồng Đậu, Đinh Xa, Ma Cả (Vĩnh Lạc); Cự Triền, Tháp Miếu, Núi Ca, (Mê Linh); Hồng Đà, Dậu Dương, Gò Bông, La Phù, Văn Minh, Đoan Thượng, Đào Xá, Gò Cháy, Gò Chè, núi Ngấn (Tam Thanh); Gò Nghành, Suối Trại (Tam Đảo).

Các di tích trên chia làm 4 loại:

· Loại Phùng Nguyên trên dưới 4000 năm

· Loại Đồng Đậu trên dưới 3.500 năm

· Loại Gò Mun trên dưới 3000 năm

· Loại Đông Sơn khoảng 2.800 năm đến đầu công nguyên.

Di chỉ nói trên là những địa điểm người Việt cổ cư trú còn để lại trong lòng đất các hiện vật gồm: đồ đá như rìu, đục, cuốc, vòng tay, hoa tai, hạt chuỗi, đọi xe sợi, mũi tên...

Đồ gốm như nồi niêu, bát dĩa, cốc chén, vại lọ, tượng. Vết tích thức ăn như lúa gạo, hạt qua, xương cá, vỏ ốc trai hến, xương thú rừng và gia súc v.v...

(Xem thêm bài 15 : Đồ đồng cổ Đông Sơn)

Đặc biệt là theo truyền thuyết cung điện nhà vua ở thôn Việt Trì thì khảo cổ học đã tìm thấy ở di chỉ Làng Cả (khu Mì chính) những hiện vật nói lên sự có mặt của vua quan như mũi tên đồng, rìu chiến trang trí đẹp, giáo đồng, khóa thắt lưng bằng đồng tạc 8 con rùa, thạp, trống, tượng cóc bằng đồng thau.

7. Biển hoành câu đối ở đền Hùng.

Lăng:

Lăng Vua Hùng

Lăng Chính

1. Đẹp đẹp tươi tươi sánh ơn lớn của trời, vua còn là tổ.

Xanh xanh, tốt tốt được khí thiêng của đất, núi cũng rất hùng

2. Vì tinh thần Tổ quốc, qua mười tám đời truyền đất này là căn bản.

Khảo danh thắng nước nhà, sau mấy nghìn năm lẽ nơi đây còn lăng vua.

3. Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản sông Đà non nước vẫn quay về Đất Tổ.

Văn minh đương buổi mới, con Hồng cháu Lạc giống nòi còn biết nhớ Mồ ông.

Đền Thượng

Vết tích vua trên nền đầu tiên

Dân buổi ban đầu

Con cháu phải giữ gìn lấy

Tổ muôn đời của nước Việt Nam.

1. Thần thánh mở cơ đồ, đến nay đất vẫn thế dân vẫn thế.

Công huân thờ đền miếu, đó là cây có gốc nước có nguồn

2. Cung cũ Hồng Lạc còn đây, trùng điệp núi đồi nhiều dòng sông hợp lại

Khí thiêng Đế vương vẫn đó, thét gào mưa gió một ngọn núi đứng cao.

3. Đất này núi này bờ cõi nước Nam

Vua ta, tổ ta, phương Bắc nể vì

4. Trong cây cỏ tốt xanh vẫn có miếu có lăng, hồn thiêng cha mẹ rồng tiên phù hộ đời sau không thiết sót.

Suốt thời gian dài dặc thấy kìa sông kìa núi, công đức tổ tiên thần thánh, nhớ ơn vua nước chằng hề quên.

5. Con cháu còn, tôn tổ vẫn còn, nòi giống nhà ta sinh sản mãi.

- Nắng mưa thế, miếu lăng vẫn thế, non sông đất nước vững bền lâu.

6. Con cháu ba kỳ thăm mộ Tổ.

Non sông muôn thuở rạng nòi Tiên

Đền Trung

Tổ muôn đời của nước Nam

Miếu thờ tổ Hùng Vương

Vết tích linh thiêng của Vua Hùng

Hỏi lại việc xưa nên chép sử

Ngắm xem phong cảnh muốn đề thơ.

(câu đối của chúa Trịnh Tùng)

Đền Giếng

Núi sông quý báu như vàng ngọc.

Uống nước nhớ nguồn

1. Dòng dõi Rồng tiên nơi quý phái

Nhành hoa em chị cửa nhà vua

2. Triều Hùng lăng tẩm kinh đô tại đây

Nước Việt có các vị tiên nữ được tôn kính.

3. Chị em chỗ Hoàng gia mở ra nữ sử đầu tiên cùng bà Triệu bà Trưng thần thiên một truyện

Lâu dài nơi đế tử nhìn núi Hùng cao ngất với Tản Viên Dạ Trạch, hương lửa nghìn thu

4. Mười tám đời truyền làm quân làm vương, hai vị tiên nga cuối dòng họ.

Năm mươi con lên núi xuống biển, một nàmg thần nữ nối ngôi cha.

Cổng đền

Núi cao đường lớn

Mở lối đắp nền bốn mặt non sông quy một mối

Lên cao nhìn rộng nghìn trùng đồi núi tựa đàn con

--------------------------------------------------------------------------

(*) Chú thích :

Theo Nguyễn Khắc Thuần thì tài liệu mang tên “Hùng Triều Ngọc Phả” cho biết họ Hồng Bàng truyền được 18 đời gồm :

1- Hùng Vương tức Lộc Tục.

2- Hùng Hiền tức Sùng Lãm.

3- HÙng Lân.

4- Hùng Việp.

5- Hùng Hy.

6- Hùng Huy.

7- Hùng Chiêu.

8- Hùng Vĩ.

9- Hùng Định.

10- Hùng Uy .

11- Hùng Trinh.

12- Hùng Võ.

13- Hùng Việt.

14- Hùng Anh.

15- Hùng Triều.

16- Hùng Tạo.

17- Hùng Nghị.

18- Hùng Duệ.

Từ trước đến nay “chúng ta” thường nghĩ rằng “đời” vua Hùng là giai đoạn sinh sống của một vị vua thuộc họ Hồng Bàng, cho nên với 18 đời vua mà thời gian kéo dài đến 2622 năm thì có vẻ rất vô lý.

Gần đây công trình nghiên cứu của Trần Huy Bá về Hùng Vương và sự tích “Hùng Triều Ngọc Phả” do Nguyễn Như Đỗ sống vào thời nhà Lê ghi rõ ràng như sau:”Thời đại Hùng Vương kéo dài 2622 năm gồm 47 đời vua”. Theo Hùng Vương Ngọc Phả thì chữ Đời Vua dùng trong 18 đời vua Hùng không phải là một đời người mà là “một dòng (chi) gồm nhiều đời”. Riêng dòng Hùng Vương thứ 18, chi cuối cùng của thời đại Hùng Vương đã gồm 3 đời vua trị vì. Hiện nay ở Đình Tây Đằng, huyện Ba Vì, tỉnh Vĩnh Phú, còn bài vị “Tam Vị Quốc Chúa”. thờ 3 vị vua cuối cùng thuộc dòng Hùng Vương thứ 18 này. Chi này chấm dứt vào năm 258TCN.

Theo sự tích Ngọc Phả thì mỗi dòng vua được gọi là một “Chi”. Mỗi chi gồm nhiều đời vua và được xếp theo thứ tự bát quái và thập can như sau:

Càn, Khảm, Chấn ,Cấn ,Khốn, Ly, Khôn, Đoài và Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỳ, Canh,Tân, Nhâm, Qúy. Cũng theo sự tích Ngọc Phả này thì thời Hùng Vương gồm cả thảy 47 đời vua theo thứ tự như sau:

1/ Chi Càn: Kinh Dương Vương.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên chép như sau:”Kinh Dương Vương là vị vua đầu tiên của nước Đại Việt ta, lên ngôi năm 2879.TCN”. Kinh Dương Vương húy là Lộc Tục, sinh năm Nhâm Ngọ (2919TCN), lên ngôi năm 41 tuổi, trị vì 86 năm từ năm Nhâm Tuất (2879TCN) đến năm Đinh Hợi (2794TCN).

2/ Chi Khảm: Lạc Long Quân.

Lạc Long Quân húy Sùng Lãm, tức Hùng Hiền Vương, sinh năm Bính Thìn (2825TCN), lên ngôi năm 33 tuổi. Chi này kéo dài 269 năm, từ năm Mậu Tý (2793TCN) đến năm Bính Thìn (2525TCN). Thời kỳ này được truyện cổ tích về họ Hồng Bàng gọi là huyền sử Rồng Tiên. Tài liệu không ghi rõ là có mấy đời vua của chi này.

3/ Chi Cấn: Hùng Quốc Vương.

Hùng Quốc Vương húy Hùng Lân, thế này trị vì từ năm Đinh Tỵ (2524TCN) đến năm Bính Tuất (2253TCN), kéo dài 271 năm. Tài liệu không ghi rõ là có mấy vị vua trong chi này.

4/ Chi Chấn: Hùng Hoa Vương.

Hùng Hoa Vương tức Hùng Bửu Lang. Lên ngôi năm Đinh Hợi (2254TCN) chi này trị vì suốt 342 năm, tức là đến năm 1712TCN, tài liệu cũng không ghi rõ gồm mấy vị vua.

5/ Chi Tốn: Hùng Huy Vương húy Bảo Lang sinh năm 2030TCN, lên ngôi năm 59 tuổi. Chi này kéo dài 200 năm tới năm 1771TCN. Không ghi rõ có mấy vị vua của chi này.

6/ Chi Ly: Hùng Hồn Vương.

Hùng Hồn Vương húy Long Tiên Lang, sinh năm 1740TCN, chi này gồm 2 đời vua kéo dài 81 năm đến năm 1690TCN.

7/ Chi Khôn: Hùng Chiêu Vương.

Hùng Chiêu Vương húy Quốc Lang, sinh năm 1502TCN, lên ngôi năm 12 tuổi. Chi này gồm 5 đời vua kéo dài 200 năm từ năm 1690TCN đến năm 1490TCN.

8/ Chi Đoài: Hùng Vĩ Vương.

Hùng Vĩ Vương húy Văn Lang, sinh năm 1466TCN, lên ngôi năm 31 tuổi. Chi này gồm 5 đời vua cả thảy là 100 năm, từ năm 1435TCN đến năm 1335TCN.

9/ Chi Giáp: Hùng Định Vương.

Hùng Định Vương húy Chân Nhân Lang, sinh năm 1381TCN, lên ngôi năm 45 tuổi. Chi này gồm 3 đời vua kéo dài được 80 năm từ năm 1336TCN đến năm 1256TCN.

10/ Chi Ất: Hùng Uy Vương.

Hùng Uy Vương húy Hoàng Long Lang, sinh năm 1294TCN, lên ngôi năm 37 tuổi, chi này gồm 3 đời vua kéo dài được 90 năm, từ năm 1257TCN đến năm 1167TCN.

11/ Chi Bính: Hùng Trinh Vương.

Hùng Trinh Vương húy Hưng Đức Lang, sinh năm 1218TCN, lên ngôi năm 51 tuổi. Chi này gồm 4 đời vua kéo dài 107 năm, từ năm 1168TCN dến năm 1061TCN.

12/ Chi Đinh: Hùng Vũ Vương.

Hùng Vũ Vương húy Đức Hiền Lang, sinh năm 1114TCN, lên ngôi năm 52 tuổi, chi này có 3 đời vua, kéo dài 96 năm từ năm 1062TCN đến năm 966TCN.

13/ Chi Mậu: Hùng Việt Vương.

Hùng Việt Vương húy Tuấn Lang, sinh năm 990TCN, lên ngôi năm 23 tuổi, chi này có 5 đời vua kéo dài 105 năm từ năm 967TCN đến năm 862TCN.

14/ Chi Kỷ: Hùng Anh Vương.

Hùng Anh Vương húy Viên Lang, sinh năm 905TCN, lên ngôi năm 42 tuổi, chi này có 4 đời vua kéo dài từ năm 863TCN đến năm 779TCN tức là 89 năm.

15/ Chi Canh: Hùng Triệu Vương.

Hùng Triệu Vương húy Chiêu Lang, sinh năm 745TCN, lên ngôi năm 35 tuổi, chi này gồm 3 đời vua kéo dài từ năm 780TCN đến năm 686TCN tức là được 94 năm.

16/ Chi Tân: Hùng Tạo Vương.

Hùng Tạo Vương húy Đúc Quân Lang, sinh năm 740TCN lên ngôi năm 53 tuổi, chi này có 3 đời vua kéo dài từ năm 687TCN đến năm 595TCN, tức là được 92 năm.

17/ Chi Nhâm: Hùng Nghi Vương.

Hùng Nghi Vương húy Bảo Quang Lang, sinh năm 605TCN, lên ngôi năm 9 tuổi, chi này có 4 đời vua kéo dài từ năm 596TCN đến năm 336TCN tức là được 160 năm.

18/ Chi Qúy: Hùng Duệ Vương.

Hùng Duệ Vương húy Huệ Vương, sinh năm 350TCN lên ngôi năm 14 tuổi, chi này có 3 đời vua kéo dài từ năm 337TCN đến năm 258TCN tức là được 79 năm.

Doremon360

No comments: