Bai 11: (P.2) Dai Loan va Bach Viet

Đài Loan và cội nguồn Bách Việt

TG : Nguyễn Đức Hiệp Ph.D

Phần 2:

Thuyết “Từ Đài Loan” về nguồn gốc Austronesian ở Thái Bình Dương

Năm 1984, nhà khảo cổ học Peter Bellwood, trong chương trình nghiên cứu phối hợp với ngôn ngữ học đã cho rằng các người Polynesian ở các đảo Thái Bình Dương như Tonga, Fiji, Tahiti, Tân Tây Lan, đảo Easter... có nguồn gốc từ Đài Loan. Họ di cư từ Đài Loan chỉ cách đây hơn 3,000 năm và nhanh chóng toả ra khắp những nơi trên. Thuyết này được phổ thông hoá nôm na là thuyết “tàu tốc hành từ Đài Loan” (“express train from Taiwan”).

Ông Bellwood (13) cho rằng người Austronesian là những người trồng lúa, với kỷ thuật canh nông, từ nam Trung quốc đã qua Đài Loan và xuống các đảo phía nam. Từ đó họ đi về phương đông đến hầu như hết tất cả các đảo ở Thái bình dương. Họ đã thay thế các dân hái lượm địa phương cư ngụ trước đó ở các đảo Đông Nam Á. Bellwood cũng dựa vào nghiên cứu của nhà ngôn ngữ học R. Blust để đưa ra thuyết của ông. Blust đã xếp loại tất cả các ngôn ngữ Austronesian, khoảng 1,200 loại, thành 10 nhóm chính. Các ngôn ngữ của các bộ tộc Austronesian ở Đài Loan rất khác nhau và chia ra thành chín nhóm khác nhau. Trong khi các ngôn ngữ Austronesian khác ở Đông nam Á và Thái Bình dương nằm vào chung một nhóm. Vì thế Blust cho rằng các ngôn ngữ ở Đài Loan là thuộc loại xưa nhất, và các ngôn ngữ Austronesian khác bắt nguồn từ Đài Loan.

Bằng chứng khảo cổ học là các loại gốm gọi là gốm Lapita được tìm thấy khắp các đảo ở Thái Bình dương, từ quần đảo Bismark, đảo Vanuatu, Caledonia đến Fiji, Tonga, Samoa. Những người Lapita này chính là tổ tiên của những người Polynesia nói tiếng Austronesian ở Thái Bình dương hiện nay. Bellwood cho rằng người Lapita phát xuất từ Đài Loan.

Vấn đề người Lapita từ đâu đến không đơn giản và đã có nhiều nhà nghiên cứu tranh luận. Nhà nhân chủng học Terrel cho rằng thật sự tổ tiên người Lapita là từ Melanesia hơn là từ người Austronesian từ Đài Loan hay Phi Luật Tân đến. Đồ gốm Lapita cổ nhất là được tìm thấy ở quần đảo Bismark, xứ sở của người Melanesia, hơn gốm tìm được ở Phi Luật Tân, mặc dầu chúng có liên hệ đến gốm Lapita. Theo ông Terrel, văn hóa người Lapita là sự tổng hợp văn hóa của người Austronesian đến trong nhiều đợt và của người Melanesia bản sứ. Thuyết của ông Terrel còn được gọi nôm na là “thuyết bờ rối” (“entagled bank hypothesis”)

Thuyết “tàu tốc hành” của Bellwood, Blust và thuyết “bờ rối” của Terrel là hai mô hình nổi bật khác nhau nhất. Các nhà nghiên cứu đã chia ra hai trường phái dựa vào hai mô hình khác nhau trên.

Thuyết “tàu tốc hành” của Bellwood và Blust được nhiều người chấp nhận trong một thời gian lâu trong các năm 1980 và đầu thập niên 1990. Khi các nhà di truyền học nhảy vào cuộc tranh luận, lúc đầu đã có các nghiên cứu di truyền mtDNA với các kết quả đầu tiên có vẻ là thuyết Bellwood và Blust đúng. Nhưng sau này, các kết quả di truyền ở nhiểm sắc thể Y và mitochondria mtDNA cho thấy giả thuyết trên của Bellwood là không hoàn toàn đúng.

Di truyền ở nhiểm sắc thể Y cho thấy người Polynesia có rất ít sư đa dạng, chứng tỏ họ xuất thân từ một số ít người đàn ông. Mặc dầu ở mtDNA và nhiểm sắc thể Y, có các vết tích và sự liên hệ một ít qua các điểm (marker) với những người Austronesian và người ở nam Trung quốc và Đông Nam Á. Nhưng sự liên hệ di truyền nhiều nhất là với các người Melanesian ở New Guinea và Austronesian ở Wallacia gần New Guinea (11)(12). Thuyết Bellwood đúng một phần nhưng mô hình Terrel có cơ sở hơn. Vì thế ông Oppenheimer (11) đã gọi nguồn gốc và di dân của người Polynesia đến Thái Bình dương là “con tàu chậm” (“slow boat”)

Người Hoklo

“Hoklo”, từ cổ xưa gốc địa phương nay được dùng để chỉ chung giống người dân tộc và ngôn ngữ vùng Phúc Kiến thay vì dùng từ Phúc Kiến như trước đây thường sử dụng để chỉ người từ tỉnh địa phương Phúc Kiến trong một nước Trung quốc rộng lớn. Các từ thường dùng khác như Hokkien, Minnan (Mân Nam), Min (Mân), hay Đài Loan cũng đã được dùng để chỉ dân tộc này. Nay thì từ “Hoklo” bản địa có khuynh hướng được dùng nhiều (nhất là trong giới hàn lâm nghiên cứu) vì nó thống nhất cho một giống dân trong dân tộc học, không mang màu sắc chính trị, thích hợp hơn là dùng danh từ về vị trí địa lý của một tỉnh. Người Hoklo không những cư trú ở Phúc Kiến mà còn có mặt ở nhiều nơi như Hải Nam, Đài Loan và ở nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á do truyền thống đi biển của họ. Ở Đài Loan, hiện nay 70% dân số là người Hoklo.

Ngôn ngữ người Hoklo có nguồn gốc cổ xưa ở Nam Trung Quốc. Theo nhà ngôn ngữ học Norman (5) và Mei Tsu Lin (6) thì tiếng Hoklo (Mân), Hakka và Quảng Đông có cùng nguồn gốc. Chúng xuất phát từ các bộ tộc Bách Việt, phi Hán, sống ở phía Nam sông Dương Tử. Những ngôn ngữ này có các thành phần gốc Thái cổ, AustronesianAustroasiatic ở tầng ngôn ngữ dưới, và pha trộn với tiếng Hán ở tầng trên. Thành phần Austronesian và Thai (Austro-Thai) có trội hơn thành phần Austroasiatics, nhưng cả ba đều hiện diện trong các ngôn ngữ này. Họ ngôn ngữ Austroasiatics, như ta biết, gồm có các ngôn ngữ Mon-Khmer. Việt, Munda. Điều này cho thấy là các tộc người nói tiếng Austroasiatics đã có mặt tại Nam Trung Quốc từ lâu đời, trước thời kỳ nhà Tần-Hán (xem #6). Hiện nay trong ngôn ngữ Mân Nam (Hoklo), ta vẫn còn tìm thấy có các sự liên hệ với ngôn ngữ Việt thuộc họ Autroasiatics qua các từ (xem #6). Một vài thí dụ về các từ Hoklo với các từ trong tiếng Việt, như :

vat [bat4] – Việt : biết, Bahnar : băt.

gnial [kian2] – Việt : con, Khmer : koun.

daam [tam5] – Việt : đẫm (ướt).

daanggi [tang5ki1] – Việt : đồng (lên), Proto-Mân : dung, dong, Mon : dong.

doh [toh4] – Việt : đâu (ở).

và một sớ từ có nguồn gốc Austroasiatics – Austronesian (theo thuyết Austric), như :

dehh [the4] – Việt : đè, Proto-Malay : tedes.

qiul [giu2] – Việt : giật (kéo), Quảng Đông : jaul, Proto-Malay : guyud.

lut [lut4] – Việt : lột, Hakka : lôụt, Quảng Đông : led1, Indonesian : lucut, Malay : luchut, Hawaii Polynesian : lu.

lerng [leng7] – Việt : lõng, Proto-Malay : luan.

Ngoài ra, theo tôi, một số các từ Hoklo sau đây cũng có gốc chung (cognates) với các từ Việt :

bou [pơ1] – Việt : bố (cha).

voul [bơ2] – Việt : bu (vợ).

za [cha1] – Việt : ta (người), Proto-Malay : tau, cau.

dẫn tới từ Hoklo, zabou nghĩa là người đàn ôngzavoul người đàn bà.

Ngoài sự liên hệ về ngôn ngữ giữa người Hoklo (Mân Việt) và người Việt, trong lịch sử, ta cũng được biết là tổ tiên nhà Trần, một triều đại rực rỡ văn hóa Việt ở Việt Nam, vào thế kỷ thế 13, đã đi từ Phúc Kiến (Mân) theo đường biển đến định cư ở Việt Nam trước đó. Họ sống về nghề đánh cá dọc theo bờ biển Nam Trung Quốc. Người Hoklo ở Đài Loan, sau bao thế kỷ chung sống và hợp chủng với nhiều bộ tộc bản xứ ở vùng thấp và đồng bằng đã dẫn đến sự biến mất của một số bộ tộc. Qua quá trình giao lưu này, một số ngôn ngữ Austronesian đã được thu nhận, và ngôn ngữ Hoklo ở Đài Loan có nét địa phương khác với ngôn ngữ Hoklo ở tỉnh Phúc Kiến trong lục địa. Ngôn ngữ Hoklo ở Đài Loan nay được gọi là Đài ngữ.

Người khách trú (Hakka)

Danh từ “Hakka” chữ Hán có nghĩa là “khách trú”, do người Quảng Đông dùng để chỉ những người di dân xuống địa phận vùng Bắc Quảng Đông và Nam Phúc Kiến hiện nay. Thật sự người Hakka đã có mặt từ ngàn năm trước ở vùng Nam sông Dương Tử, chủ yếu ở khu vực Nam tỉnh Giang Tây, giáp giới với Phúc Kiến. Vì hoàn cảnh địa lý và lịch sử họ đã di dân xuống Quảng Đông. Hiện nay chúng ta không rõ lịch sử và khi nào từ này đã được dùng, chỉ biết là người Quảng Đông đã đối xử phân biệt với họ, cho họ là dân phi Hán, thuộc một loại dân tộc man di, như các tộc Thái, Choang (Zhuang) hay Mèo (Miao), ở miền núi hoang dã di dân vào ở các khu vực Hán. Thật sự thì cả người Quảng Đông cũng không phải nòi Hán, nhưng vì bị Hán hóa quá lâu nên cộng đồng của họ đã không còn giữ được trong ký ức trước kia họ thuộc chủng phi Hán.

Vì bị coi như người ngoài đến lấn chiếm, và bị đối xử phân biệt nên một số người Hakka đã cũng tự cho họ là người Hán từ Bắc Trung Quốc xuống. Quyển sách cổ điển nói về nguồn gốc của người Hakka là của giáo sư Lo Hiong Lim, xuất bản năm 1933 (An introduction to the study of the Hakka : its ethnic, historical and cultural aspects). Ông chủ yếu dựa vào gia phả cho rằng người Hakka là từ Bắc Trung Quốc đã di dân xuống phương Nam qua nhiều đợt vì quê hương của họ đã bị các rợ phương Bắc xâm lăng.

Ngày nay, nhiều công trình nghiên cứu khảo cổ, ngôn ngữ học và di truyền học đã cho thấy là thuyết của ông Lo không đúng. Ngay cả tư liệu gia phả cũng không chính xác và có nhiều sai lầm. Nhà ngôn ngữ học J. Norman cho rằng tiếng Hakka, Mân (Min) và Quảng Đông, Việt (Yueh) có cùng một nguồn gốc trong lịch sử, đã hiện diện ở Nam Trung Quốc từ trước thời Hán, mà ông gọi chung là tiếng Cổ Nam Trung Quốc (Old Southern Chinese) (xem #5).

Nhà ngôn ngữ học Laurent Sagart, trong một nghiên cứu mới đây (2002) về nguồn gốc tiếng Hakka, đã cho thấy là ngôn ngữ này có nguồn gốc ở phía Nam Trung Quốc, với lớp tầng cổ nhất thuộc họ ngôn ngữ Mèo-Dao (Miao-Yao), hay còn gọi là Hmong-Mien (xem #4). Ngôn ngữ Hakka cũng rất gần với ngôn ngữ của người Gan (Cám) cư ngụ dọc lưu vực sông Cẩm Giang. Hiện nay, ở vài khu vực các tỉnh Giang Tây (Jianxi), Triết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, người She (Hẹ), thuộc họ ngôn ngữ Hmong-Miên vẫn còn hiện diện. Ông Sagart cho rằng chính họ là tổ tiên của người Hakka và Gan, sau này bị Hán hóa dần từ thời Tống. Trước đây, nhà ngôn ngữ học Haudricourt cũng đã cho rằng tiếng Quảng Đông và Hakka có nguồn gốc từ tiếng Thái và Mèo-Dao, sau khi trải qua các quá trình Hán hóa lâu dài trong lịch sử (7).

Giáo sư Fong Hok-Ka, trong sách nghiên cứu về người Hakka xuất bản tại Trung Quốc năm 1994 (Investigating in depth about the origin of Hakka), đã dùng những tài liệu lịch sử và khảo cổ tìm được ở các vùng của người Hakka trước đây cư ngụ. Ông cho thấy đã có một nền văn minh rất cao hiện diện rất lâu trước khi nhà Tần đánh chiếm các dân tộc phương Nam. Từ đó (221 tr. TL.) bắt đầu có quá trình Hán hóa cho đến giai đoạn sau thời Nam-Bắc Triều (589 TL.), khi nhóm Tiền-Hakka (Proto-Hakka) bắt đầu được thành lập và phát triển.

Nói chung, các công trình nghiên cứu của các ông Norman, Sagart và Fong là có cơ sở hơn hết về nguồn gốc con người và ngôn ngữ Hakka. Sau người Hoklo, người Hakka bắt đầu di dân đến đảo Đài Loan vào khoảng thế kỷ 18, nhiều nhất là dưới triều đại nhà Thanh. Hiện nay, dân số người Hakka có khoảng 3 triệu, tức khoảng 15% dân số Đài Loan, đứng hàng thứ hai sau dân Hoklo.

Vài nét về lịch sử hiện đại của Đài Loan

Đài Loan đã có người thổ dân Austronesian sinh sống từ lâu đời. Tài liệu xưa nhất ở Trung Quốc đề cập đến Đài Loan là vào năm 230 TL., nói về một số người chạy loạn từ bờ biển Phúc Kiến, Quảng Đông đến cư ngụ tại đảo. Một tài liệu địa lý khác ở thế kỷ thứ 3 có nói về các bộ tộc sống trên đảo (7). Họ có phong tục và cách sống rất khác nhau, chứ không phải thuần nhất.

Từ cuối thế kỷ 16 đến năm 1624, chỉ có một số rất ít người từ lục địa sang sinh sống dọc theo bờ biển phía Bắc. Họ sống ngoài vòng kiểm soát của triều đình Trung Quốc. Trong đó không ít là cướp biển. Thỉnh thoảng có một số người bị đắm tàu trôi dạt vào đảo. Họa hoằn lắm mới có các thương thuyền của người Bồ Đào Nha, Hòa Lan và các nước tạt qua trên đường hàng hải buôn bán với Nhật và Trung Quốc. Người Bồ Đào Nha gọi đảo này là Formosa (“hòn đảo đẹp”). Thổ dân Austronesian trên đảo cũng có tiếng là hung dữ, nhất là ở phía sâu trong đảo. Thêm nữa, vì không có cảng hay thành phố mà chỉ có các làng mạc thưa thớt dọc biển, nên không ai để ý đến.

Với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng của các nước Tây phương trong thị trường thương mại hàng hải với Nhật và Trung Quốc, người Hòa Lan đầu tiên chiếm các đảo nhỏ ở eo biển Đài Loan, như quần đảo Pescadores, và bắt đầu từ năm 1624 đến lập các cơ sở ở bờ biển phía Tây Đài Loan. Người Tây Ban Nha cũng đến phía Bắc đảo để chiếm đóng và lập các căn cứ làm thuộc địa từ năm 1626. Người thổ dân bị lấn chiếm và không chống trả nổi. Chiến tranh giữa Hòa Lan và Tây Ban Nha diễn ra liên tục trên đảo. Trong thời gian này, người Hoa từ lục địa cũng bắt đầu di dân sang ở một vài nơi phía Tây và Nam trên đảo.

Biến cố 28/2 – Thảm sát ở Đài Bắc và khắp Đài Loan

Cuối năm 1945, sau khi Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, chính phủ Trung Quốc của Quốc Dân Đảng gởi người và quân đội đến Đài Loan để giải giới và thiết lập chính quyền mới trên đảo. Họ đến từ lục địa nhưng nắm hết quyền trong chính phủ, quân đội. Từ sự các biệt gần 100 năm lịch sử trong thời kỳ lệ thuộc Nhật và trước đó trong thời nhà Thanh, lối sống xã hội của người Đài Loan bản xứ đã khác nhiều với tập tục, suy nghĩ và nếp sống của những người tràn qua từ đất liền. Điều này bắt đầu dẫn đến những bất đồng và căng thẳng, nhất là sự hối lộ, tham nhũng, vơ vét, áp bức dân địa phương của chính quyền Quốc Dân Đảng trong các năm đầu khi họ vừa đến Đài Loan. Người dân bản xứ không quen với tệ nạn tham nhũng, vơ vét khi còn dưới thời Nhật cai trị, nên rất ta thán. Họ đã biểu tình phản đối, bắt đầu từ Đài Bắc rồi lan ra khắp Đài Loan. Quốc Dân Đảng đã phản ứng lại bằng cách “dạy dân địa phương một bài học”, như một số tướng và nhân vật Quốc Dân Đảng đã tuyên bố. Trong ngày 28/2/1947, quân đội đã nổ súng vào đoàn biểu tình và mở chiến dịch tấn công càn quét vào dân bản xứ, hậu quả thật khốc liệt, hơn 20.000 người đã bị thảm sát. Thiết quân luật đã được ban hành và áp dụng trên toàn lãnh thổ. Biến cố này là một bản lề quan trọng nhất trong lịch sử cận đại Đài Loan.

Năm 1949, chính phủ Quốc Dân Đảng ở Trung Quốc, sau khi bị thua trận trong cuộc nội chiến, đã phải chạy ra đảo Đài Loan. Thiết quân luật được áp dụng chặt chẽ hơn, viện cớ tình trạng chiến tranh với đảng Cộng sản ở lục địa. Thiết quân luật chỉ chấm dứt sau này, vào năm 1987. Biến cố ngày 28/2/1947 có ảnh hưởng sâu rộng và hằn sâu trong tiềm thức của dân Đài Loan. Mặc dầu nó đã bị các chính phủ Quốc Dân Đảng che nay và cấm đề cập đến từ lúc đó cho đến cuối thập niên 1980, nhiều trí thức bản xứ và ngay cả một số trong Quốc Dân Đảng ly khai đã đặt lại vấn đề và từ đó thành lập đảng Dân Chủ Tiến Bộ đối lập cới chính quyền.

Năm 1972, Đài Loan đã lỡ một cơ hội để trở thành một nước độc lập gia nhập vào Liên Hiệp Quốc. Trong thời điểm này, Mỹ đang hòa hoãn với Trung Quốc lục địa (Cộng hòa Nhân dân Trung quốc). Liên Hiệp Quốc cũng vừa công nhận chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung quốc (PRC) là đại diện cho Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, thay thế chính phủ Cộng hòa Trung quốc (ROC) của Quốc Dân Đảng ở Đài Loan. Đài Loan lúc đó có thể từ bỏ chính sách là mình có chủ quyền ở lục địa và là thực thể đại diện cho tất cả mọi người dân Trung Hoa. Thay vào đó, Đài Loan nên tuyên bố độc lập xin vào Liên Hiệp Quốc với tư cách một nước mới. Đây cũng là hành động mà Mỹ khuyên Đài Loan nên theo trong cơ hội này, lúc Mỹ thương lượng với Trung Quốc, nhưng cính phủ Đài Loan đã từ chối và tiếp tục theo đuổi đòi chủ quyền cho cả Trung Quốc lục địa. Đây là một sai lầm chiến lược lớn mà sau này Đài Loan hối hận. Nhiều người đã đặt lại vấn đề là tại sao lại không có hai hoặc ba nước nói tiếng Trung Hoa trong Liên Hiệp Quốc, cũng như Liên Sô trước đây đã có Ukraine và Bielorussia hiện diện trong tổ chức này. Chính sách sau này của chính phủ Quốc Dân Đảng Đài Loan là cố gắng thiết lập được quan hệ ngoại giao với mọi nước (đa số là các nước nhỏ ở Trung Mỹ và Thái Bình Dương) và xin được vào các tổ chức quốc tế, như Y Tế Thế Giới (WHO), Phát Triển Văn Hóa (UNESCO), Thương Mại (WTO).

Từ lúc đảng Dân Chủ Tiến Bộ (DPP) đối lập được thành lập, đấu tranh về đường lối giữa Quốc Dân Đảng và đảng Dân Chủ diễn ra rất gay gắt trong suốt thập niên 1980. Đến cuối thập niên 1990 thì người địa phương Đài Loan đã thực sự thắng lợi, với bản sắc Đài Loan được đặt làm nền tảng cho mọi chính sách đối ngoại và đối nội. Ngay cả Quốc Dân Đảng đã chọn người địa phương Đài Loan, ông Lý Đăng Huy, là vị tổng thống với chính sách mới ở giai đoạn cuối cùng trước khi đảng Dân Chủ lên nắm quyền năm 2000, mở đầu cho một kỷ nguyên và một thế kỷ mới.

(Còn tiếp ...)

1 comment:

Anonymous said...

Bài viết công phu và có nhiều tư liệu lịch sử đáng tin cậy. Nhưng cần d8ược dẫn chứng đầy đủ hơn
Nghiem Do