Bai 17: (P.3) Nguon goc Viet Nam cua ten 12 con giap



Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp (phần 3)

Nguyễn Cung Thông

1. Giới thiệu tổng quát

Từ các bài viết trước ta đã thấy một số liên hệ sơ lược của tên 12 con giáp như /Tử/chuột, Ngọ/ngựa, Mão/Mẹo/mèo, Dần/*kian/kễnh (cọp), Thân/Khon/khọn (khỉ), Sửu/*ch-lư/klu/tlu (trâu). Phần này sẽ tóm tắt các tương quan còn lại giữa tên 12 con giáp và tên gọi các con vật trong tiếng Việt, Việt Cổ. Một lần nữa, nguời viết sẽ tránh dùng các thuật ngữ để bài viết dễ đọc và dễ cảm thông hơn. Với những tài liệu bằng chữ Hán, Nôm, Việt và ngoại ngữ hầu như đều hàm ý rằng nguồn gốc Trung Hoa (TH) của tên 12 con giáp, nên vấn đề đặt lại nguồn gốc không dễ dàng cũng như vượt qua bức tường rất cao và dày của ‘định kiến’ này qua bao ngàn năm.

Chúng ta hãy xem vài vết tích của tiếng Việt trong tiếng Hán (Cổ) để thấy khuynh hướng biến dần đi của vốn từ phương Nam trong tiếng Trung Hoa hiện đại qua các tên chỉ loài vật như ong, bướm …v..v… Nhắc lại rằng trong Phần 1 chúng ta đã duyệt qua tiếng cóc, voi, vịt, chuồn (chuồn) đã từng hiện diện trong tiếng TH dù rằng ít thấy. Từ khuynh hướng gọi tên các động vật, hi vọng chúng ta sẽ thấy rõ hơn tại sao tên 12 con giáp lại rất gần gũi với tộc Việt chứ không phải của TH như từ trước đến nay như mọi người đều lầm tưởng !

Ý thức được rằng sự thay đổi một định kiến đã nằm sâu trong xương tuỷ chúng ta từ bao ngàn năm nay thật là khó khăn, tuy vậy sự thật vẫn cần phải được đưa ra ánh sáng để các cuộc nghiên cứu trong tương lai có thể kiểm nghiệm một cách nghiêm túc, khách quan và theo đúng phong cách của khoa học hiện đại. Các bài viết 1, 2 và 3 chỉ tóm tắt rất sơ lược quan hệ tên 12 con giáp, những bài viết sau sẽ chi tiết hơn và phân tích từng tên mỗi con để thấy rõ nét các mối dây liên hệ đến tộc Việt. Phiên âm giọng Bắc Kinh theo lối Phiên Âm (pinyin) thường gặp hiện nay.

.

2. Tiếng Việt và tiếng Hán Cổ

2.1 Ong là động vật có nhiều gắn bó với văn hoá VN qua các thành ngữ như “nuôi ong tay áo” và ‘chạy như ong vỡ tổ”… cho thấy tâm lý con người. Danh từ ong được dùng 8 lần trong truyện Kiều so với bướm (7 lần)

“Tiếc thay một đoá trà mi

Con ong đã tỏ (mở) đường đi lối về” (câu 845-846, Kiều)

Ong viết bằng chữ Nôm thường gặp là bộ trùng hợp với chữ phùng (gặp) hài thanh (HT), chữ này cũng chính là phong Hán Việt (HV) nghĩa là con ong - giọng Bắc Kinh (BK) bây giờ là feng1, Quảng Đông (QĐ) là fung1, Hẹ là fung1, bung1 … cho thấy tương quan ong-phong rất đặc biệt, có thể là cùng một gốc như qua các tương quan ông-công, ung-muống. Ông (bà) HV viết bằng bộ vũ hợp với chữ công, giọng BK bây giờ là weng1, weng3 so với jung1 QĐ, wung1, vung1 Hẹ và ong1 (Ngô), ang1 (Minnan/Đài Loan). Ngôn ngữ TH hiện nay không có nhiều tiếng bắt đầu bằng nguyên âm a, e, i/y, o/ơ, u … như tiếng Việt – các âm đầu này thường bị môi hoá hay ngạc hoá thành các dạng wu-, wo-, ya-, yu- … và biến đổi nhiều hơn để trở thành vo-, vu- (âm Hán thời Trung Cổ còn âm đầu v-) và fo-, fu- hay mo-, mu- … Thí dụ như úng HV (cái vò, hũ) viết bằng bộ ngoã (ngói) hay phữu (đồ sành) hợp với chữ ung HT, giọng BK bây giờ là weng4, yong1, yong2, yong3 so với giọng QĐ ung3, ngung3, ong3 và Hẹ là wung5, vung5 – so với ong1 (Ngô) và ang3 (Minnan). Có khi môi hoá để trở thành âm môi môi (phụ âm m) như ung HV, weng4/yong1 BK, ung3/ngung3 QĐ, wung5/jung1/rung1 Hẹ … mà tiếng Việt là rau muống. Thật ra chữ ong viết bằng ông HT là một chữ hiếm trong vốn từ TH hiện nay, tần số dùng1 là 21 trên 237243358, viết bằng bộ trùng hợp với chữ ông HT, giọng BK bây giờ là weng1, weng3 so với jung1 QĐ và vung1 Hẹ nghĩa là con ong vò vẽ. Chữ này đã có từ lâu, ít nhất là thời Hán khi Hứa Thận ghi lại trong Thuyết Văn Giải Tự là “…ông, trùng tại ngư mã bì giả…”. Khuynh hướng hiện nay dùng điệp từ (từ ghép) của tiếng TH làm nguồn gốc của phong (con ong) khó được nhận ra : như mìfeng1 (mật phong, nghĩa là con ong) hay huàngfeng1 (hoàng phong), măfeng1 (mã phong) chỉ con ong vò vẽ. Thường thì các từ HV như phòng, phóng, phụng, phủ, phi, Phật … có âm cổ hơn còn duy trì trong tiếng Việt là buồng, buông, bưng, búa, bay, Bụt … rất khác với liên hệ phong-ong. Một số tác giả như Lê Ngọc Trụ (“Tầm Nguyên Tự Điển VN” 1993) cho rằng ong có gốc là phong, nhưng ngược lại có một số tác giả khác lại cho rằng phong HV (feng1 BK) có gốc là ong (như theo Paul Benedict2 trong “Austro-Thai Language and Culture” 1975).

2.2 Bướm thường thấy qua từ láy ‘bươm bướm’ hay với nghĩa rộng hơn trong cách dùng ‘bay bướm’. Chữ Nôm viết bướm bằng bộ khẩu hoặc bộ trùng hợp với chữ biếm, hay bộ trùng hợp với chữ phạp (viết ngắn đi). So với tiếng Mường Thạch Bi là pươm, pướm (theo từ điển Mường-Việt, NXB Văn Hoá Dân Tộc, Nguyễn Văn Khang chủ biên, Hà Nội 2002), pung khamu (tiếng Môn), pung paq3 (Danaw), pungpaq (Riang), paipyang (Thái), pam pam (Khamu) … Trong vốn từ TH hiện nay có chữ péng BK, bang1 QĐ viết bằng bộ trùng hợp với chữ bằng HT (thành ra có thể đọc là bằng, bồng), theo người viết thì chữ này là tàn tích của âm bướm rất hiếm thấy so với các chữ dié BK (điệp HV), hú BK (hồ HV) hay chữ ghép hồ điệp đều có nghĩa là con bướm. Tuy nhiên, cũng trong vốn từ TH hiện nay ta còn thấy péng BK hay pung4 QĐ, pung2 Hẹ viết bằng bộ trúc hợp với chữ phùng HT có nghĩa là cái màn che, cái buồm. Cái buồm tiếng HV là phàm, hay fán BK với phụ âm đầu b- chính là âm cổ3 của phụ âm f- (ph-) còn được duy trì trong tiếng Việt. Như vậy có liên hệ gì giữa hai từ bướm và buồm tiếng Việt ? Tiếng Việt có đặc điểm là âm thanh gợi nhiều hình ảnh như âm –ong cho thấy một hìng dáng cong cong, vòng, móng, tròng, lòng thòng, lòng vòng … Theo người viết thì cánh buồm xưa kia có hình cánh bướm và đây là mối dây liên hệ - so với cách dùng con diều (điêu HV, giọng BK là yáo, yào) có hình cánh con diều hâu vậy. Bướm là động vật có trước, sau đó các tàu bè mới dựa vào hình dạng cánh bướm mà làm ra *bườm hay buồm - với thanh huyền để cho khác biệt. Cách dùng thanh điệu để chỉ hai việc khác biệt nhưng lại có những điểm giống nhau thường gặp trong tiếng Hán Cổ mà vết tích còn trong tiếng HV và Việt như đo (động từ) và độ (cũng dùng làm danh từ), hành (làm, động từ) và hạnh (danh từ), truyền và truyện, phân và phần … so với đấy và đây, ngày hôm kia và ngày hôm kỉa/kìa, trôi/trổi/trồi/trội …v…v…

Tóm lại trong tiếng TH hiện nay còn một số tiếng Việt Cổ và càng ngày càng mất dần đi có thể vì hệ thống âm điệu khác nhau hay có thể vì khuynh hướng cố tình đào thải các tiếng phương Nam của các chế độ phong kiến phương Bắc chăng ? Trường hợp của tên 12 con giáp rất đặc biệt : chúng đã làm nền tảng văn hoá và tín ngưỡng dân gian qua bao triều đại, và gốc rễ có quá nhiều thành ra không thế lực nào có thể cắt đứt hay bóp méo được nền văn hoá bình dân này4.

.

3. Tên các con giáp còn lại

3.1 Thìn/Thần HV, giọng BK bây giờ là chén – âm này có thể tương ứng với các âm trần, trầm, thần HV. Ngoài ra, âm chén BK đã từng có âm họng sau (velar) kh- theo Thuyết Văn Giải Tự - hay thần đọc như là *khân, điều này được Jerry Norman ghi nhận trong bài “ A note on the origin of the Chinese duodenary cycle’ (trong cuốn “Linguistics of the Sino-Tibetan area” 1985). Phụ âm đầu kh- tương ứng với các dạng chỉ con trăn như tiếng Việt, tiếng Môn (klan, klon), Chrâu, Kơho (klăn) … Thêm vào đó là cách viết rất hiếm của chữ giao bằng bộ trùng hợp với chữ thìn bên phải có nghĩa là ‘.. hình dáng như con rắn nhưng lớn hơn và có sừng như rồng..” (Khang Hi Tự Điển, theo Norman). Các dữ kiện này có thể giải thích phần nào con vật tượng trưng cho chi này là rồng. Tuy nhiên, theo người viết nếu phục hồi âm cổ của Thìn/Thần là *tsri(a)n thì ta có thể hiểu được các dạng sau này như Thìn/Thần, tlan (âm r chuyển thành l) và trăn, lươn (âm ts- mất đi), rắn, trình (loài cá giống con lươn), rồng/long (nguyên âm o thay cho a như nôm/nam, vốn/bản…) và khuynh hướng đơn âm hoá để cho ra các dạng từ ghép như tlăn > thằn lằn, *tlian > thuồng luồng … Các loài vật này đều có hìng cong vòng như con rồng5. Tiếng Thái gọi năm Thìn là bpee ma rohng cho thấy vết tích của dạng rồng trong các ngôn ngữ phương Nam.

3.2 Tỵ/Tị HV, giọng BK bây giờ là sì so với zi6 QĐ, Hẹ là ze5, cih5, si5, su5… Trong cách viết/khắc cổ TH của tên 12 con giáp thì Tỵ và Hợi là các chữ tượng hình cho thấy rõ nguồn gốc loài vật, nếu không kể các chữ khác ghi lại hình cây, đồ vật…. Cũng như chữ (Hán) của tên 12 con giáp6 thường được dùng làm thành phần HT trong quá trình thành lập chữ mới, trừ Tuất ít được dùng. Như vậy là ta có 10 trên 12 tên con vật là loại chữ HT, hay khoảng 83 % so với hơn 90 % chữ Hán hiện đại là loại HT (có tác giả cho rằng tỷ số HT có thể đến 97 %). Loại chữ tượng hình càng ngày càng ít đi và càng khó nhận ra hình dạng nguyên thuỷ (qua các đợt chỉnh lý và đơn giản hoá). Chữ Tỵ còn được dùng để chỉ ngày lễ Thượng Tỵ cầu mát vào đầu tháng Ba của nước Trịnh, điều này cho thấy tên 12 con giáp có thể đã hiện diện từ thời Xuân Thu (770-476 Trước Công Nguyên/TCN). Âm cổ phục hồi của Tỵ là *zji? theo William Baxter (“A Handbook of Old Chinese Phonology” 1992), theo người viết liên hệ đến rít hay rết tiếng Việt. Kasit (tiếng Mường Ruc) nghĩa là con rít (rết, rệt) cho thấy dạng âm cổ *sit, so với giọng BK thì phụ âm cuối –t thường mất đi như guó BK (quốc HV, còn duy trì âm cuối –c), lì BK (lực HV), fó BK (Phật HV), shí BK (thập HV, mười), qi1 BK (thất HV, bảy), zhí BK (chất HV) … Còn phụ âm đầu s- thường biến thành t- khi nhập vào tiếng Việt cũng như các chữ khác như sài BK (tái HV, cửa ải), sàn BK (tán HV), shàn BK (thiện HV), shàng BK (thương HV), suí BK (tuỳ HV), sì BK (tự HV, chùa), sòng BK (tụng HV, kiện) … Như vậy sì BK (Tỵ HV) có cơ sở giải thích theo dạng rít Việt, thêm vào đó là tương ứng s-r khi ta so sánh tiếng Mường và Việt (như răng có âm cổ là *săng, theo Vương Lộc trong “An Nam Dịch Ngữ - giới thiệu và chú giải” 1995), và liên hệ đồng đại trong tiếng Việt như siết-riết, sít-rít, sầu-rầu, sờ-rờ, xà-rà, súc-rút, sầm-rầm, xẻo-rẻo…. Tiếng Việt còn có cách dùng rắn rít cho thấy hai loài vật này rất gần với nhau, là những loài sống trong hang hốc, bò sát và có thể rất độc hại. Thành ra Tỵ có thể đã từng là rít cũng không khó hiểu cho lắm; Các di tích tìm thấy từ thời Tiên Tần còn cho thấy sâu bọ cũng từng là tên của các con giáp (theo Thường Tuấn trong “Văn hoá 12 con giáp” 2005). Tiếng Thái bây giờ gọi năm Tỵ là bpee ma seng cho thấy dạng seng hay *săng (rắn).

3.3 Tuất HV so với giọng BK bây giờ là xu1, seot1 QĐ được tượng trưng bằng con chó. Để ý Tý/Tí/Tử liên hệ đến chuột với biến âm t-ch thì Tuất cũng có thể liên hệ đến chó (qua phụ âm đầu). Tiếng Hán có chữ chúc/túc HV rất hiếm1 viết bằng bộ khuyển hợp với chữ túc HT (chân, cẳng) nghĩa là con chó nổi tiếng - giọng BK bây giờ là què, hú, qiăo, răn so với zoek3, coek3 QĐ cok7, sit7 Hẹ … Chữ này là một tàn tích của Tuất hàm nghĩa chó trong vốn từ TH hiện đại. So sánh các từ chỉ chó như chọ (tiếng Mường), cho (Sakai, Boloven), chuô (Kháng), txo (Danaw), xoq1 (Wa), choq (Sơđăng), axu, chuak, chook (Môn), xo (Kơho, Stiêng, Chơro), achoq (Chứt), xor (Savana), cho (Laqven, Biat) …v..v… cho thấy tiếng Môn còn duy trì dạng chuak (hay tuất). Tiếng Thái bây giờ gọi năm Tuất là bpee jaaw (năm chó).

3.4 Mùi/Vị HV – cách dùng thông thường của Mùi cho thấy dạng âm cổ hơn so với Vị HV gần với giọng BK bây giờ là wèi, giọng QĐ là mei6, Hẹ là mui5, mui6, mui3, vui5, wui5, Ngô là vi6, Minnan (Đài Loan) là bi7 … Các phương ngữ TH cho thấy rõ các biến âm b-v, m-v, w-v … cũng hiện diện trong tiếng HV và Việt. Liên hệ m-v còn thấy trong các cặp muôn-vạn, múa-vũ, mùa-vụ, mựa-vô, mù-vụ, muộn-vãn … Các dạng âm cổ phục hồi theo Jerry Norman hay các tác giả trước đây như *mjôdh đều không giải thích được mối liên hệ đến dê, nhưng dựa vào cặp mùi-vị, ta có thể khôi phục một dạng cổ là *mvji(e), để ý nhóm phụ âm mv- đọc như và giọng Nam (tiếng Việt), và từ đó ta có một dạng nữa là dê. Ngoài ra, nếu để ý tiếng kêu đặc thù của loài dê là ‘be be’ hay mị HV, mie1, mi3, măi BK có nhiều cách viết khác nhau như dùng bộ khẩu, bộ dương (dê) cho thấy Mùi/Vị có thể có nguồn gốc tượng thanh – hay bắt chước tiếng kêu con vật cũng như chim cu, con quạ (ác), con mèo … cũng là một hiện tượng tự nhiên mà thôi. Tiếng Thái gọi năm Mùi là bpea ma mae tương đồng với dạng âm cổ *mvji trên.

3.5 Dậu HV so với giọng BK bây giờ là you3, jau5 QĐ … cũng chính là bộ thủ thứ 164 trong 214 bộ căn bản. Dậu và Tý (bộ thủ thứ 39) là hai chữ được dùng làm bộ thủ trong 12 chữ viết tên con giáp - điều này cho thấy sự quan trọng của các chữ và nghĩa này trong văn hoá TH. Nếu Tý hay Tử có nghĩa là con phản ánh liên hệ gia đình huyết tộc thì dậu biểu tượng cho rượu chè, một hoạt động căn bản của xã hội nông nghiệp. Tuy nhiên cả hai từ này đã bị ‘Hoa hoá’ quá lâu như trên nên chẳng thấy dính líu gì đến các loài vật ! Nhưng hình ảnh và các hoạt động con người từ từ lấn chiếm dần tên 12 con vật tổ (totem) này. Trong vốn từ TH hiện đại có chữ dậu HV, you3 BK viết bằng bộ điểu hợp với chữ hữu bên trái (rất hiếm) nghĩa là một loại chim giống loại trĩ, mà có thể coi như là loại gà (theo “VN Tự Điển” 1954), để ý rằng hai chữ trĩ và kê (gà) đều viết bằng bộ chuy (chim đuôi ngắn, bộ thủ thứ 171 trong 214 bộ). Theo người viết, đây là sợi dây gắn liền dậu và gà mà ta vẫn còn thấy vết tích trong chữ cổ (hiếm) TH. Thêm vào đó, một cách giải thích khác theo tác giả Jerry Norman (sđd, 1985) dựa trên kết quả nghiên cứu của André Haudricourt (1965) rằng các phụ âm v, d, g của tiếng Mường và Việt có thể là vết tích của các tiền tố cổ.

Từ đó, Norman đưa ra dạng âm cổ phục hồi của gà là *rơka hay *ruka. Theo người viết thì quá trình mất tiền tố này cũng giống như dạng kasit cho ra *sit hay rít đã nói ở phần Tý trên. Tác giả Hồ Lê cũng ghi nhận gà là từ Nam Á (Austroasiatic) trong bài viết “Từ Nam Á trong tiếng Việt” (trong cuốn “Tiếng Việt trong nhà trường phổ thông và các ngôn ngữ dân tộc” NXB Khoa Học Xã Hội – Hà Nội 2002). Tiếng Thái gọi năm Dậu là bpe gai (năm kê hay gà) hay là bpee ra gaa (năm gà) phù hợp với các dạng Mường.

3.6 Hợi HV so với giọng BK bây giờ là hài, QĐ là hoi6. Âm cổ phục hồI có dạng *goi/kui - liên hệ của hợi và heo có thể thấy được qua tiếng Mường củi/kun/kul : phụ âm đầu h-k cùng vị trí phát âm nên dễ hoán chuyển cho nhau như hữu-có, hồ-cò (hồ cầm là đàn cò), Hùng-khun (vua/thủ lãnh dân Mường), Hán-khan (lãnh tụ), hộ-cửa, hơi-khói/khí, hầu-khỉ, hoá-của … Đại Nam Quốc Âm Tự Vị (Huỳnh Tịnh Của, 1895) còn ghi là “..cá cúi : thứ cá biển nhiều mỡ như heo, cũng gọi là heo biển; Heo cúi : tiếng đôi nghĩa là con heo..” (trang 201). Gỏi có thể đã từng làm bằng thịt heo, nhưng nghĩa đã mở rộng để chỉ cá, tôm, gà … trộn với rau. Theo Jerry Norman (sđd) thì gỏi có nghĩa là heo (tiếng Việt Cổ) ?? Không những Hợi liên hệ đến heo/lợn qua tiếng Mường hay Việt Cổ nhưng tàn tích có thể hiện diện trong vốn từ TH hiện đại. Có vài chữ mà theo người viết là các dạng khác nhau của Hợi hay *hị và *hệ (so sánh với các biến âm thi/thơ/thư, kỳ/cờ, thị/chợ, li/rời, di/dời, vị/bởi, ti/tơ, bị/bới/búi…). Chữ hê/hề/hệ với giọng BK bây giờ là xi1, hei1, sik1 QĐ viết bằng bộ khuyển hợp với chữ hí/hô/huy HT có nghĩa là con heo - chữ này rất ít thấy1 (hiếm). Một chữ nữa thường gặp hơn là HV so với giọng BK bây giờ là hei1, héi viết bằng bộ thỉ hợp với chữ hi HT – cũng chỉ con heo/lợn nhưng không thông dụng bằng các chữ khác như trư, thỉ, trề, ba … Vết tích của liên hệ hợi-cúi còn thấy trong chữ hui1 BK (hay hôi/huy/khôi HV) viết bằng bộ thỉ hợp với chữ thổ1 bên phải nghĩa là con heo. Tiếng Thái bây giờ gọi năm Hợi là bpee goon - để ý dạng cun là con heo của tiếng Mường – cho thấy tiếng Thái vẫn còn duy trì một số tiếng Việt Cổ và là một dây nối quan trọng để hiểu rõ hơn nguồn gốc tên 12 con giáp.

.

Như vậy là ta đã xem qua tên 12 con giáp, thoạt nhìn thì các từ HV Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi có vẻ như có gốc Tàu – nhưng tra kỹ ra thì thấy rõ những mối dây liên hệ với các ngôn ngữ phương Nam - đặc biệt nhất là tiếng Việt và Việt Cổ qua tiếng Mường và họ Môn-Khme. Điều này càng dễ hiểu nếu ta nhìn rộng ra các tên loài vật vẫn còn tàn tích trong vốn từ TH hiện đại, tuy càng ngày chúng càng bị đào thải vì hệ thống âm thanh không phù hợp hay vì các đợt ‘chỉnh lý’, ‘đơn giản hoá’ chữ viết cùng khuynh hướng cố tình bôi xoá ảnh hưởng từ phương Nam khi nền văn hoá này khởi sắc trước thời Tần. Với ảnh hưởng quan trọng của nền văn hoá TH từ đời Hán và sau đó từ đời Đường, Tống… với sức ép của nhóm thống trị từ phương Bắc tràn xuống, các tên 12 con vật tổ đã từ từ thay thế bằng hình ảnh con người, mang nặng màu sắc văn hoá TH hơn. Từ tính chất cụ thể của các loài vật láng giềng, 12 con giáp đã trở nên trừu tượng và còn ảnh hưởng đến vận mạng con người nữa (bói toán). Tuy nhiên, cái vỏ hào nhoáng của chữ Hán, Hán Việt không thể thay đổi được nền văn hoá bình dân (khẩu ngữ), trong đó dân ta vẫn coi mèo là biểu tượng của chi Mão ! Chính vì thế mà ta phải đặt lại vấn đề nguồn gốc của tên 12 con giáp, đúng theo tinh thần của người trước gói ghém trong câu :

“Trăm năm bia đá thì mòn

“Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”

.

4. Phụ chú và phê bình thêm

(1) Dữ kiện về tần số dùng của các chữ Hán hiện đại dựa vào tài liệu trên mạng Internet www.chinalanguage.com/cgi-bin/dict.php. Các chữ hiếm có tần số dùng rất thấp, thường rất ít gặp trong các tự điển hiện đại.

(2) Ong có âm cổ phục hồi hệ Nam Thái (Austro-Thai) theo Benedict là *bluung không phù hợp với các dạng QĐ, Hẹ, Việt. Nếu xem các cấu tạo chữ Hán, ta thấy ông thường đuợc dùng làm thành phần HT. Chữ này lại được viết bằng bộ vũ hợp với chữ công cho thấy dạng âm cổ ô- hay hô-, kô- … Xem qua các ngôn ngữ láng giềng ta thấy tiếng East Mnông có ?uong (? chỉ âm bật thanh quản/glottal stop) để chỉ con ong, so với ?ong (tiếng Mường, Bahna, Stiêng, Chrau, Kơho, Sơđăng) theo Paul Sidwell trong cuốn “Proto South Bahnaric” (2000). Sidwell ghi nhận âm cổ phục hồi của tiếng tiền Katuic (Proto-Katuic) là *hang, tiếng tiền Waic là *?ong, *anh, tiếng tiền Chàm là *hong so với huing (tiếng Môn), wong/wol (Riang), ong (Wa), on (Paluang), hong (Besisi), cong (Semang, một dạng Bahna). Các tương quan trên, nhất là từ các ngôn ngữ không có nhiều giao lưu với TH, cho thấy feng1 BK (phong HV) rất có thể là từ mượn từ các dân tộc ở phương Nam từ Thượng Cổ. Tiếng Thái có chữ pheungF đọc như phương tiếng Việt, có thể là ảnh hưởng của tiếng TH Trung Cổ - cùng thời với sự xâm nhập và phát triển có hệ thống của tiếng HV thời Đường Tống.

(3) Biến âm b-ph/f rất thường gặp trong ngôn ngữ như qua định luật Grimm trong họ Ấn Âu... Trên phương diện lịch đại ta thấy các cặp từ bỏ-phế, bài-phé, buồng-phòng, buông-phóng, bộ-pho, búa-phủ, bổ/bửa-phẩu/phẫu, bể-phá, bè-phái, bay-phi, bưng-phụng, buồn-phiền, buồm-phàm, bún-phấn, buộc-phọc, bèo-phiêu, bào-phao, Bụt-Phật … ngay cả trên phương diện đồng đại ta thấy bỏng-phỏng, bình-bịch hay bành-bạch, phành phạch … tuy không phổ thông cho lắm. Như vậy thì b- dẫn đến ph- hay ngược lại ? Nếu xem chữ Bụt (từ tiếng Phạn Budh-) để cho ra chữ Phật HV so với chữ Bụt đi thẳng vào tiếng Việt thì rõ ràng là b- đã hiện diện trước ph- . Ngoài ra khi dùng từ ghép trong tiếng Việt thì chữ có trước thường đi trước như buồn-phiền, bè-phái, bỏ-phế….. Thêm vào đó là các âm mạnh (strong sound) như b- có khuynh hướng trở thành âm yếu như p-, ph/f- hay âm vang trở thành âm điếc : hiện tượng này gọi là nhược hoá (lenition hay weakening).

(4) Thật ra thì đã có những hoạt động thay đổi hoặc ‘chỉnh lý’ các tên như người viết đã từng nêu lên trong bài viết (phần 2) : mãn (mèo) hay miễn thay bằng thố (thỏ), nhưng dân Việt vẫn khăng khăng giữ tên gọi Mão để chỉ con mèo chứ không dùng thỏ. May thay, chính văn hoá truyền khẩu lại duy trì được nghĩa nguyên thuỷ, chứ nếu dựa vào chữ Hán sau nhiều đợt ‘chỉnh lý’ thì có thể không truy được ngọn ngành cho thoả đáng !

(5) Tác giả Trần Ngọc Thêm trong cuốn “Cơ sở văn hoá VN” NXB Giáo Dục – Thành Phố HCM (1999) đã ghi nhận rồng xuất phát từ vùng Đông Nam Á và ảnh hưởng đến văn hoá TH (trang 135). Điều này phù hợp với dạng âm cổ phục hồi *tsri(a)n để cho ra các tiếng khác như trăn, rắn, rồng, lươn, thuồng luồng, thằn lằn …

(6) qua khung cửa rất nhỏ của tên và cách viết 12 con giáp, ta có thể tìm thấy nhiều dữ kiện đặc biệt của tiếng TH, tiếng HV, Việt … và qua các cách viết cổ của chúng, ta có thể tìm lại được phần nào nền văn hoá cổ đại của phương Đông như sự ‘kính nể’ các loài vật tín ngưỡng thờ các loài vật, dùng chúng làm totem ..v..v..

.

5. Đính chính và bổ túc

5.1 Vì phải tranh thủ thời gian để đánh các bài viết này, nên người viết không thể nào tránh được một số lỗi thông thường như bỏ dấu sai, thiếu/lộn nét, quá tóm tắt, ý mơ hồ … Thí dụ như trong phần 2 dòng 7 trang 1, gióng lên viết là ‘giống lên’; Trang 2 dòng 1 ‘on’ và ‘kun’ đổi cho nhau ..v..v…

5.2 Đáng lẽ phải chêm một số chữ Hán để cho rõ nghĩa cho các bài viết này, nhưng vì đa số chữ Hán dùng trong bài viết là loại chữ hiếm không dễ dán vào, người viết vẫn còn đang tìm loại fonts cổ điển và thích hợp để giải quyết vấn nạn này. Tuy nhiên, hi vọng bằng cách ghi lại bộ thủ và thành phần HT, mức độ sai trái sẽ giảm thiểu tối đa.

5.3 Quý độc giả muốn trao đổi thêm ý kiến để chúng ta cùng học hỏi thêm, xin liên lạc với Ban Biên Tập của khoahoc.net hay người viết qua địa chỉ email nguyencungthong@yahoo.com, mong rằng “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao’ trong biển học vô cùng vậy.

.

(Xem tiếp phần 4)

No comments: