Chiếc gậy thần - Dạng thức nguyên thuỷ của hào âm, hào dương
Nguyễn Thiếu Dũng (20/10/2005)
(Các hình trên sẽ được trích dẫn và giải nghĩa trong bài viết. Bạn hãy save hình vào máy và xem ở chế độ Preview để thấy rõ các chi tiết )
Kinh Dịch được xưng tụng vào hàng kỳ thư của thế giới là do người làm ra Dịch biết vận dụng một cấu trúc độc đáo làm ngôn ngữ diễn đạt.
Ngôn ngữ của Dịch chỉ có hai ký tự: một hào âm và một hào dương. Hào dương là một vạch liền (-), hào âm là một vạch đứt (- -). Đó là hai ký hiệu biểu trưng cho hai năng lực đối lập trong vũ trụ phối hợp với nhau tạo nên vận động của vũ trụ.
Vũ trụ được quan niệm như một thái cực, thái cực có hai năng lượng âm dương (lưỡng nghi) cọ xác nhau, đun đẩy nhau, biến hoá sinh thành tám dạng thức (tám quẻ đơn hay tám kinh quái).
Tám dạng thức này có hai đường vận động:
Tám quẻ đơn vận động trên vòng tròn tạo thành ba thiên đồ: Tiên Thiên Đồ, Hậu Thiên Đồ và Trung Thiên Đồ. Trung Quốc chỉ lưu hành hai đồ Tiên Thiên và Hậu Thiên. Trung Thiên Đồ không được lưu hành ở Trung Quốc vì Trung Quốc không thể nào tìm được thiên đồ này, lý do là Việt Nam cha đẻ Kinh Dịch đã giấu biệt không cho Trung Quốc biết. (Xin xem Kinh Dịch di sản sáng tạo của Việt Nam cùng tác giả).
Tám quẻ đơn chồng lên nhau từng đôi một, tạo thành 64 quẻ kép (hay 64 biệt quái).
Ba Thiên Đồ và 64 quẻ kép bao quát hết mọi qui luật vận động của vũ trụ giúp con người có thể hiểu biết thế giới, cũng như hiểu biết chính mình, qua đó quán chiếu được vận mệnh của mình và của vũ trụ.
Hai hào âm dương có công năng đa trị như thế chẳng khác chi chiếc gậy thần có phép biến hoá giúp con người có khả năng quán thông mọi sự, mọi việc.
Hai hào âm dương tuy đơn giản nhưng lại là phát minh quan trọng có tính quyết định. Đó là cách hệ thống thuyết âm dương, chuyển thành biểu tượng, nhờ biểu tượng - một phương pháp đặt thù của Kinh Dịch - con người có thể đạt đến minh triết.
Có thể nói không có hào âm, hào dương không có Kinh Dịch.
Do đâu người xưa sáng tạo được hai hào âm dương thần kỳ như vậy? Đây là thắc mắc mà nhiều người muốn được giải thích. Vương Ngọc Đức tổng kết một số kiến giải của các triết gia Trung Quốc:
"Dịch. Hệ từ hạ trả lời: "Xưa Bào Hy thị làm vua thiên hạ, ngẩng lên trời quan thiên tượng, cúi xuống đất xem địa pháp, quan sát muông thú và chất đất, gần thì lấy ở thân mình, xa thì lấy ở vật. Vậy là sáng tạo ra bát quái". Người ta không thoả mãn với lời giải đáp này, vì nó không nói được mối quan hệ giữa các hiện tượng của trời đất với quái hình của bát quái.
Khổng Dĩnh Đạt đời Đường trong "Chu Dịch chính nghĩa - Tự” giải thích: "Thánh nhân ngày xưa vẽ vạch cương, vạch nhu cho bát quái, tượng trưng cho hai khí. Sắp xếp ba vị trí, tượng trưng cho âm khí và dương khí"...
Quách Mạt Nhược trong "Trung Quốc cổ đại nghiên cứu" chỉ ra rằng, bát quái tượng trưng cho bộ máy sinh dục nam nữ, nguồn gốc của bát quái, ta thấy rất rõ đó là tàn dư của sự sùng bái sinh thực khí thời cổ. Nét - tượng trưng dương vật của nam, chia làm hai -- tượng trưng cho âm hộ của nữ, từ đó mà có quan niệm về nam nữ, cha mẹ, âm dương, cương nhu, trời đất" (1,tr 45).
Trên đây là cách giải thích của người Trung Hoa về phương cách lập thành hai hào âm dương. Kiến giải này nặng về tính dục.
Để xác định nguồn gốc của biểu tượng hào dương và hào âm, các nhà Dịch học Trung Quốc còn xướng thuyết "Dịch hào khởi nguyên từ phệ số".
Có người cho rằng Dịch hào do bói cỏ thi mà ra. Người ta dùng 50 cọng cỏ thi, bỏ 1 còn 49, sau ba lần biến họ được các con số: 36, 32, 28, 24, đem các số này chia cho 4, kết quả sẽ được 4 con số: 9, 8, 7, 6. Số 9 và số 7 là số lẻ thuộc dương tương đồng với hào dương vạch liền (-), số 8 và 6 là số chẵn thuộc âm tương đồng với hào âm vạch đứt (- -). Do đó họ kết luận hào dương hào âm xuất phát từ phệ số cỏ thi. Ta thấy rõ đây là lối giải thích quá khiên cưỡng kiểu thấy người sang bắt quàng làm họ. Số và tượng chỉ mới có mối tương đồng chứ không thể là một, đường ai nấy đi, gặp nhau chỉ là chuyện tình cờ. Số là số, tượng là tượng. Đối với Dịch chỉ có tượng mới qui định số, chứ số không thể chuyển hoá thành tượng nếu không được qui định.
Ở đây ta thấy có một sự song hành giữa bói cỏ thi và Dịch. Bói cỏ thi dùng phệ số, được số rồi phải đi tìm lời đoán, phệ số dừng lại ở định mức này không thể tiến xa hơn để phát triển thành triết học. Trong khi đó Dịch khởi nguyên từ tượng, có tượng hào âm hào dương mới có Dịch, không có tượng hào âm hào dương không thể khai sinh ra Dịch. Có tượng rồi mới có số, chỉ có số không thể tạo ra Dịch, thì làm thế nào Dịch lại từ bói cỏ thi mà ra.
Bói cỏ thi là môn bói toán thịnh hành thời nhà Chu Trung Quốc.
Dịch là của Việt Nam truyền qua. (Lưu ý: Dịch được đề cập ở đây là Kinh Dịch nguyên thuỷ , không kể Dịch Truyện là phần tinh hoa của Trung Quốc do chịu ảnh hưởng của Dịch nguyên thuỷ phát triển thành. Trung Quốc gộp chung Dịch Kinh và Dịch truyện thành Kinh mà họ gọi là Chu Dịch).
Bói cỏ thi đang bế tắc vì không có hào từ qui định gặp được Dịch như cây gặp đất lành, cây lớn rất nhanh, phát triển thành rừng che kín cả đất. Về sau người ăn cây trái chỉ biết có cây, có rừng quên hẳn Đất. Đây cũng là chiến thuật trước ở ngoài sân sau lần vào bếp, mượn của người làm của mình, rồi soán đoạt luôn.
Bói cỏ thi dựa vào Dịch, rồi biến Dịch thành công cụ, sau đó đồng hoá sáp nhập. Kẻ đi vay mượn trở thành chủ nhân. Bói cỏ thi được Dịch nuôi dưỡng trở mặt thành cha đẻ của Dịch.
Gần đây, Trương Chính Lãng căn cứ vào những chữ số khắc trên những mảnh giáp cốt của đời Thương, đào được ở An Dương cũng khẳng định bát quái bắt nguồn từ phệ số, cho rằng hào dương là do số lẻ biến thành và hào âm là do số 6 (chữ lục) biến thành.
Trên giáp cốt văn hay trên kim văn người ta phát hiện có những nhóm chữ số kỳ lạ, gồm có ba chữ số hoặc sáu chữ số tạo thành. Điều này khiến người ta liên tưởng đến các quẻ Dịch cũng do 3 hào hay 6 hào tạo thành. Rõ ràng là mối tương đồng này chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để kết luận đấy là quẻ Dịch.
Trương Chính Lãng cho rằng trong các quẻ phệ số tìm được, chữ số 1 (chữ nhất -) và chữ số 6 (chữ lục, thời cổ đại viết là /\) sau này chữ nhất biến thành hào dương (-) và chữ lục /\ biến thành hào âm (- -) do đó mặc dầu các chữ phệ số có nhiều số khác như 5, 7, 8 vẫn tuỳ theo số chẵn hay lẻ đều có thể đổi thành âm hoặc dương. Đây cũng là cách chặt đầu chặt chân để bỏ cho vừa rọ. Thuyết của Trương Chính Lãng cũng chỉ là thuyết khiên cưỡng như bói cỏ thi. Nhóm Chu Bá Côn đã thẳng thắn bác bỏ thuyết này:
"Cách lý giải cho rằng quái tượng và hào tượng do chữ số biến hoá mà thành xem ra rất hợp lý. Song về khía cạnh lôgic, chúng không thể giải quyết được vấn đề kết cấu của "Kinh Dịch". Chúng ta đã biết, bản thân cuốn sách Kinh dịch là do Bát quái và Lục thập tứ quái (64 quẻ) tạo thành, vì thế cho nên sẽ là 8 kinh quái, 64 biệt quái, hơn nữa đơn vị cơ bản cấu thành chúng là sự gắn chặt của (-) và (- -). Bởi vì hai loại nét ngang liền và nét ngang đứt đoạn được chồng 3, chỉ có thể có 8 đồ hình khác nhau, xét trên góc độ toán học thì là 2.2.2 = 8. Còn 8 loại đồ hình khác nhau khi được bình phương lên thì cũng chỉ có 64, tức là 8.8 = 64. Song dùng các chữ số trong phép bói cỏ như 1, 5, 6, 7, 8 v.v... không đủ chứng cứ để chứng minh tại sao trong Kinh Dịch lại chỉ có 8 kinh quái và 64 biệt quái". (2,tr. 63)
Đó là sự cách biệt một trời một vực giữa phệ số và Dịch, không thể đồng hoá phệ số là Dịch, cũng không thể nói số lẻ số chẵn dễ dàng chuyển hóa thành vạch liền vạch đứt được.
Trong khi người Trung hoa còn đang lúng túng về khởi nguyên của dạng hào vạch, thì trên trống đồng Đông Sơn của quê hương Việt Nam , hào âm, hào dương và quẻ được khắc rất rõ khắp nơi trên mặt trống, trên tang trống, trên thân trống với nguyên hình, nếu chịu nhìn là nhận ra ngay.
Trên đồ đồng Đông Sơn ta thường gặp những hình tượng biểu lộ tín ngưỡng phồn thực nhưng đối với người Văn Lang tính dục không phải là mối bận tâm hàng đầu, vì thế hình tượng sinh thực khí không phải là nguyên mẫu ảnh hưởng đến người sáng tạo ra Dịch. Những họa tiết hoa văn trên trống đồng Đông Sơn cho ta một cách tiếp cận khác, thực tế hơn.
Nhìn những chiếc thuyền trên trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ, ta không khỏi tự hỏi: Tại sao trên mạn những chiếc thuyền này có vẽ những hoa văn vạch và chấm ? Đó có phải là hình những chiếc nan tre gợi ý thuyền làm bằng tre đan, điều này khó thành hiện thực vì đầu thuyền và đuôi thuyền đều được uốn cong lên và có chạm tỉa hình đầu chim rất tỉ mỉ, chứng tỏ thuyền phải làm bằng gỗ. Có người cho rằng những đường vạch ngắn đó tượng trưng cho việc ghép những mảnh ván gỗ. Kiến giải này khó chấp nhận vì những vạch ngắn ở đây thường nằm đứng mà gỗ ghép thuyền thì phải nằm ngang theo chiều dài của thuyền. Đáng chú ý nhất là những đường vạch chấm chấm có mặt ở đây, không thể nói đây là những hàng đinh đóng. Vậy thì những hàng chấm chấm này biểu trưng cho cái gì ?
Một khi ta đã ý thức rằng những hoạ tiết hoa văn trên trống đồng có liên hệ đến Dịch, ta sẽ nhận ra sự việc hết sức đơn giản rằng đó chỉ là hình tượng những hào âm, hào dương. Hào dương vạch liền , hào âm vạch chấm chấm. Trên thuyền chỗ nào cũng đầy những con mắt Dịch (xin xem "Con mắt Dịch" cùng tác giả), thì thân thuyền trang trí đầy những hào quẻ không có gì lạ chẳng qua tất cả đều nằm trong một hệ thống.
Có sự khác biệt giữa hình dạng hào đang lưu hành và hình dạng hào nguyên thuỷ.
Người Trung Hoa giữ nguyên trạng hào dương một vạch liền nhưng đã cải biến hào âm thay vì vạch nhiều chấm họ đã đổi thành một vạch đứt. Có cách thay đổi này có thể là để vẽ cho nhanh.
Không phải đợi đến thời kỳ Đông Sơn hào âm dạng nhiều chấm mới xuất hiện, thật ra hào âm nhiều chấm đã có mặt từ thời văn hoá Phùng Nguyên trước hào âm dạng vạch đứt cả nghìn năm.
Khi những triết gia Văn Lang muốn tìm một hình ảnh để biểu tượng cho hào dương họ không phải mất nhiều thời gian, trong tay họ thường ngày vẫn cầm nắm những dụng cụ lao động: ngọn giáo đi săn, cây đâm trống, những dụng cụ này gợi ý cho họ chọn một vạch liền để tượng trưng cho hào dương. Nhưng với hào âm thì có thể phải mất nhiều thời gian suy tư.
Triết gia thời cổ đại không ngồi trong phòng giấy để suy tưởng. Minh triết của họ gắn liền với thao tác lao động. Họ làm việc, thâm nhập vào cuộc sống, suy gẫm từ cuộc sống.
Một buổi sớm mai trời còn mờ mờ, nhà hiền triết Văn Lang đã cầm ngọn giáo theo đoàn người lên nương, hôm nay họ trồng một loại ngũ cốc. Một người đàn ông đi giật lùi, vừa đi người đàn ông đó vừa cắm mạnh ngọn giáo xuống đất, rồi giựt mạnh ngọn giáo lên, một cái lỗ nho nhỏ hiện ra, một người đàn bà tay ôm bọc đậu bước lần theo, bàn tay kia bốc một hạt đậu khom lưng xuống tra hạt đậu vào lỗ. Cứ thế một người đi lui, một người bước tới, họ tỉa đậu một cách nhịp nhàng.
Nhìn những người anh em hăng say canh tác, xa xa có tiếng suối reo vọng về hoà lẫn tiếng chim hót líu lo trong lúc ánh bình minh đang lên, lòng nhà hiền triết dâng lên một một niềm vui rộn rã, khoan khoái, bỗng một tia chớp vụt loé sáng, nhà hiền triết cảm thấy như đang ngập tràn trong niềm hạnh phúc vô biên. Ngài cắm mạnh ngọn giáo xuống đất, ngắm đi, ngắm lại cái lỗ nhỏ vừa được tạo ra. Ngài sung sướng lẩm bẩm với chính mình: "Đây rồi!".
Nhà hiền triết như thấy được ngày mai, từ cái lỗ nhỏ những cây đậu mọc ra những lá mầm xanh mơn mởn, chẳng khác gì hình ảnh những bà mẹ hoài thai sinh ra những đứa con xinh xắn. Vạn vật theo giòng năm tháng sinh sôi nảy nở.
Nhà hiền triết Văn Lang, cha đẻ của Kinh Dịch, thở phào nhẹ nhỏm, ngài đã tìm ra hình ảnh tượng trưng cho hào âm, đấy là những chấm nhỏ nối nhau như những lỗ tra hạt giống.
Phát minh của nhà hiền triết Văn Lang được khắc ghi lại trên đồ gốm Phùng Nguyên và hậu duệ của ngài tiếp tục truyền thống đó ghi lại trên trống đồng. Những vạch chấm đó được vẽ trên hình chim, trông mường tượng như lông chim khiến hậu thế hiểu lầm. Với chim thì còn giống, còn dễ lầm nhưng với bò trên trống đồi Ro những hình trang trí đó cũng gọi là lông bò được sao, và cả trên hình thuyền trống Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ, chẳng lẽ là lông thuyền!
Quan sát một mẫu thuyền trên trống Miếu Môn (Hình 1), trích từ (3,tr 206), ta thấy rất nhiều hào dương vạch liền và hào âm vạch chấm chấm được trang trí trên mạn thuyền. Vì là trang trí nên khó xác định được quẻ, nhưng các nhà thiết kế thường dùng nhiều quẻ Càn 3 vạch liền. Vạch chấm chấm nằm rải rác nên ta có thể đọc được rất nhiều dạng quẻ tuỳ vị trí của nó như quẻ Đoài có một vạch chấm chấm ở trên và hai vạch liền ở dưới, quẻ Ly có một vạch chấm chấm ở giữa và hai vạch liền hai bên, quẻ Tốn có một vạch chấm chấm ở dưới và hai vạch liền ở trên.
Các vạch hào âm dương này cũng được trang trí trên chim đang săn mồi cạnh thuyền.
Trên lưng chim còn có hình con mắt một vòng tròn có chấm ở giữa đó là hình dạng quẻ Ly, chấm giữa và vòng tròn bên ngoài là hào dương, vòng trắng ở giữa chính là hào âm.
Theo Kinh Dịch quẻ Ly có các biểu tượng là con chim, con bò, lưới săn.
Trên đầu những người ngồi trên thuyền có đội mũ hình ba vạch đó là tượng quẻ Càn (trời), không phải là lông chim, đây là loại mũ Dịch dùng để đội khi tế lễ.
Tất cả những hoạ tiết trên trống đồng thường được gọi là lông đều nằm trong một hệ thống. Đấy là những hào âm, hào dương, biểu tượng của Dịch.
Những chiếc mũ trên đầu người trên trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ không phải là những chiếc mũ lông chim như vật trang trí của những bộ lạc Di Địch quanh Trung Quốc, mà đấy là biểu tượng của Dịch, một nét đặc thù của người Văn Lang. Nếu là lông chim thì toàn bộ chỉ là những đường sọc kéo xuống sao lại còn có những đường chấm chấm kéo xuống? Đường nhiều chấm là hào âm, đường liền là hào dương. Cho nên ta có thể nói những chiếc mũ đó là những chiếc mũ Dịch thường được dùng để đội mỗi khi hành lễ.
Trong hình vũ sĩ (hình 2) trích từ (3,tr 207) trên trống Miếu Môn ta có thể tìm thấy một cách rõ ràng các quẻ Ly trên tấm mộc, quẻ Càn trên mũ vũ sĩ, quẻ Đoài trên áo vũ sĩ, quẻ Đoài tượng trưng cho sự hoan lạc. Cũng trong trang này (3,tr 207) ta thấy nhiều quẻ ở hình 3.
Dải băng trắng và dải băng có chấm chấm là hào âm. Dải băng có hình tam giác và dải băng có hình hai vòng tròn có chấm ở giữa là hào dương. Cứ ba băng làm thành một quẻ đơn ta có thể đọc lần lượt từ trên xuống quẻ Chấn/Lôi, quẻ Khảm/Thuỷ, quẻ Cấn/Sơn. Nếu đọc theo quẻ kép ta có hai quẻ: Lôi Thuỷ Giải và Thuỷ Sơn Kiển (Quẻ Khảm/Thuỷ nằm giữa vừa thuộc quẻ trên vừa thuộc quẻ dưới, do yêu cầu trang trí tỉnh lược).
Trên thân bò khắc trên trống Đồi Ro hay trống Làng Vạc I có hình những con bò rất đặc biệt (hình 4), trích từ (3,tr 216), con nào cũng có lông là hình khắc vạch các hào dương vạch liền và hào âm vạch chấm chấm. Ta có thể tìm thấy nhiều nhất là hình dạng các quẻ Tốn. Đây có thể là hình những con bò được đem làm lễ tế vì quẻ Tốn, quẻ thứ 41, hào Lục Tứ có câu: điền hoạch tam phẩm. Theo Vương Bậc - Chu Dịch chú: "tam phẩm là ba loại thịt dùng để tế tự, để đãi tân khách, và để đưa vào nhà bếp". Cái u trên lưng bò có hình con mắt Dịch tức là quẻ Ly - hình vòng tròn có chấm. Ta biết, theo Dịch Ly có tượng là con bò.
Bên cạnh con bò còn có quẻ Lôi Thuỷ Giải và Thuỷ Sơn Kiển vẽ theo dạng đứng. Giải Kiển tức là Giải nạn, nạn hạn hán hay là lũ lụt. Vậy đây là những con bò dùng trong lễ hiến tế để cầu giải hạn.
Trên trống Ngọc Lũ hay trống Hoàng Hạ có những ngôi nhà sàn mái hình vòng cung vồng lên (sống lồi) hay võng xuống như ở trống Sông Đà (sống võng), mặt trước nhà có trang trí những hình vòng tròn có chấm, có hay không có tiếp tuyến (hình 5).
Nguyễn Văn Huyên và Hoàng Vinh cho đó là ngôi nhà có liên quan đến nghi lễ tôn giáo, đề nghị gọi là "nhà cầu mùa" và dẫn thêm ý kiến của những tác giả khác:
"Pac-măng-chi-ê gọi đó là vật hình vòng cung (arche). (H.Parmentier - Anciens tambours de bronze.BEFEO T.XVIII. Hà Nội. 1918 P.5)
Đào Duy Anh tán thành ý kiến của Gô-lu-bép cho đây là cảnh đánh chiêng (Đào Duy Anh - Văn hoá đồ đồng và trống đồng Lạc Việt. Hà Nội, 1957, tr.34)
Văn Hựu xem đó là những tấm phên (Văn Hựu - Cổ đồng cổ đồ lục. Bắc Kinh, 1957)
Nguyễn Ngọc Chương cho đó là ngôi nhà để tiến hành nghi lễ có liên quan đến việc cầu mùa (Nguyễn Ngọc Chương - Tìm hiểu một số hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ, "Nghiên cứu Lịch Sử" số 141, Hà Nội 1971)" (3,tr.2)
Rất có thể đây là nhà cầu mùa hay nhà cầu giải hạn, đúng như các tác giả đã nói là ngôi nhà có liên quan đến nghi lễ tôn giáo, theo thiển ý ngôi nhà này có nhiều liên hệ đến Dịch, tư tưởng chủ đạo của thời Hùng Vương chi phối mọi sinh hoạt của cư dân Văn Lang thời ấy.
Các ngôi nhà trên cả ba trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà đều có điểm chung là dùng các hào dương vạch liền, hào âm vạch chấm chấm và vòng tròn có liên quan đến Dịch để trang trí.
Các vòng tròn ở đây không thể quan niệm là những chiếc chiêng có núm được vì trên lưng hai con chim trên nóc nhà trống Hoàng Hạ cũng có vòng tròn có chấm này và tất nhiên chim đó không thể mang chiêng trên mình nó. Lại thêm những vòng tròn có chấm trên trống Sông Đà có tiếp tuyến không thể xem đó là những sợi dây buộc chiêng được.
Hai con chim trên nóc nhà trống Hoàng Hạ có thể gọi là hai con chim Dịch, một con lớn và một con nhỏ, như một trống một mái, hai con đang cọ mỏ vào nhau tượng cho âm dương giao hoán theo nghĩa giao dịch của Kinh Dịch.
Hai cột trang trí hai bên hông nhà không thể là hai trụ cột vì nó nằm nghiêng và không chấm đất, chỉ có thể là hai cột trang trí, các cột nay trên cùng có hình các vòng tròn đồng tâm, vòng tròn có thể xem là biến thái của chấm, tượng trưng cho nguyên lý âm, vòng tròn có chấm ở giữa tượng trưng cho nguyên lý dương.
Các vòng tròn nhỏ có chấm giữa là những con mắt Dịch, biểu tượng của Dịch Văn Lang (sẽ giải rõ hơn trong bài "Con mắt Dịch" cùng tác giả).
Các chấm và các vạch ngang dùng để trang trí gợi nhắc đến hào âm và hào dương. Đường tiếp tuyến chính là hào dương-cây gậy thần nối những con mắt Dịch dẫn đưa trí tuệ của Dịch Văn Lang lan tỏa khắp không gian.
Vì những liên hệ đó với Dịch có thể gọi đây là Nhà Bói Dịch hay đúng hơn là Nhà Bói Diệc (Chữ Dịch còn đọc là Diệc, chỉ một loại Cò, xin xem "Đi tìm định nghĩa Dịch trên trống Đông Sơn" cùng tác giả). Cư dân Văn Lang tìm đến những ngôi nhà này để hỏi về cát hung, về cách giải quyết các vấn đề của cuộc sống, các nhà lãnh đạo đến những ngôi nhà này để cầu mùa, cầu giải hạn, giải quyết những vấn đề nhân sinh.
Cảnh sinh hoạt được khắc hoạ trên trống đồng chính là cảnh sinh hoạt của một ngày hội Dịch. Không những con người hân hoan rộn ràng ca múa chào đón ngày Hội, mà cả sinh vật cũng hoà chung niềm vui với con người, từng đàn chim Dịch bay lượn, từng đàn hươu Dịch con âm con dương nối bước nhau diễn quanh trống đồng theo chiều quay của trái đất. Không chỉ vui riêng cho mình, người Văn Lang còn đưa không khí Dịch đến từng sự vật con thuyền, mái chèo, ngọn giáo, đâu đâu cũng trang hoàng ký hiệu của Dịch: những con mắt Dịch, hào Dịch, quẻ Dịch. Người và vật cùng say sưa, ngây ngất trong mùa Hội Dịch hay đúng hơn là Hội Diệc bất tận đi mãi cùng thời gian.
Sách tham khảo:
(1) Vương Ngọc Đức - Bí ẩn của Bát Quái, NXB Văn Hoá-Thông Tin, HN 1996.
(2) Chu Bá Côn - Dịch Học Toàn Tập, NXB Văn Hoá-Thông Tin, HN 2003.
(3) Viện Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam - Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam, 1975.
Nguyễn Thiếu Dũng
No comments:
Post a Comment